Thứ ba 16/04/2024 19:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Kịp thời đầu tư dự án có giá trị văn hoá lịch sử

20:13 | 12/07/2020

(Xây dựng) - UBND huyện Đông Sơn, Thanh Hoá ưu tiên đầu tư dự án tôn tạo khuôn viên địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông với tổng nguồn vốn gần 15 tỷ đồng sau dịch Covid-19 là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với nhân dân huyện Đông Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hoá nói chung.

thanh hoa kip thoi dau tu du an co gia tri van hoa lich su
Nơi Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên vào ngày 20/2/1947 - thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn (Tranh vẽ).

Danh thắng là “địa chỉ đỏ” trong lòng dân

Từ thành phố Thanh Hóa, du khách đi về phía Tây khoảng 5km là đến địa chỉ đỏ nơi Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên (20/2/1947) - thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Đến đây, chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận, trải nghiệm một vùng non xanh của đồi thông ngút ngàn vừa hữu tình vừa nên thơ với bao trầm tích văn hóa, di tích lịch sử.

Ngày 15/4/1989, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định quy hoạch, bảo vệ Khu di tích lịch sử cách mạng Rừng Thông. Ngày 6/11/1989, Bộ Văn Hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận Rừng Thông - nơi Bác Hồ lần đầu về thăm Thanh Hóa là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Để tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp xây dựng công trình Đài tưởng niệm Bác Hồ, được khởi công từ ngày 3/2/1990 đến ngày 19/5/1990 thì hoàn thành. Đài tưởng niệm được đặt trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Phượng Lĩnh trong dãy núi Viện Sơn nhìn ra cánh đồng bát ngát và thị trấn Rừng Thông đang từng ngày thay da, đổi thịt.

thanh hoa kip thoi dau tu du an co gia tri van hoa lich su
Tượng đài Bác Hồ khuôn viên địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông (thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa).

Năm 2012, kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lần đầu về thăm Thanh Hóa, lãnh đạo huyện Đông Sơn đã cho tôn tạo thêm các công trình Nhà bia khắc tên các liệt sỹ quê huyện Đông Sơn trên những khối đá xanh, làm nhà lưu niệm, đường bậc thang xi măng lên Đài tưởng niệm Bác Hồ tạo điều kiện cho bà con nhân dân và du khách lên thăm viếng thuận lợi.

Nhà lưu niệm nằm ngay sát mặt đường, bên trong phía bên trái đặt bàn thờ Bác, bên phải đặt chiếc trống đồng do Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Sơn đúc với đường kính mặt trống 79cm mang ý nghĩa 79 mùa xuân tuổi Bác. Trống cao 69cm tượng trưng cho năm sinh của Người. Trên thân trống khắc 5 hình ảnh về Bác, gồm: Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, 4 hình ảnh còn lại là những lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa.

Từ địa chỉ đỏ này, huyện Đông Sơn đã hình thành và kết nối các tour du lịch danh lam, thắng tích từ Đài tưởng niệm Bác Hồ với đền thờ và lăng mộ đá Nguyễn Văn Nghi (xã Đông Thanh), Đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn (xã Đông Yên), mộ và bia ký Đền thờ Nguyễn Chích (xã Đông Ninh), thành cổ Hoàng Nghiêu, thung chim, núi vàng (xã Đông Nam)... Từ đây, du khách đi lên Am Tiên, Bến En, Lam Kinh, thành nhà Hồ, suối cá Cẩm Lương, thác Hiêu...

Riêng Đài tưởng niệm Bác Hồ ở thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách thăm viếng, vãn cảnh, song trải qua thời gian nhiều hạng mục của di tích dần xuống cấp. Trước thực trạng này, chính quyền, nhân dân huyện Đông Sơn đã nhiều lần kiến nghị, mong mỏi dự án tu bổ, tôn tạo Đài tưởng niệm Bác Hồ sớm được triển khai.

Dự án được nhân dân mong đợi

Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến nay dự án đã có nhiều hạng mục xuống cấp. Dự án tôn tạo khuôn viên địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông với mục tiêu đầu tư, tạo điểm nhấn cho Trung tâm Văn hóa – Hành chính huyện Đông Sơn phục vụ ngày lễ, tưởng niệm của huyện đã thực sự ghi dấu ấn đối với người dân.

Theo đó, nội dung đầu tư sẽ gồm: Xây dựng, chỉnh trang lại nhà truyền thống, kết nối nhà khách, tạo thành một khối thống nhất, có lối đi thông tuyến. Khu nhà vệ sinh làm lại tường kẻ, ngăn cách với khu tưởng niệm liệt sỹ, khuôn viên sân nhà truyền thống. Chỉnh trang khe cạn thoát nước, tạo các tiểu cảnh bậc lên xuống bằng các đá khối tự nhiên để du khách có thể tham quan và khám phá dọc lòng khe.

Tôn tạo, chỉnh trang lại khuôn viên sân vườn. Mở rộng vỉa hè cho khách tham quan, đỗ xe, dỡ bỏ hàng rào hiện trạng để xây dựng mới bằng gạch đặc. Mặt phía Đông tiếp giáp với khuôn viên di tích ốp đá bóc tách thủ công tạo bề mặt tự nhiên…

thanh hoa kip thoi dau tu du an co gia tri van hoa lich su
Khuôn viên khu di tích lịch sử, đang khẩn chương triển khai đúng tiến độ.

Đối với khuôn viên nhà tưởng niệm bóc bỏ đá lát nền hiện trạng, lát lại bằng đá xanh đục nhám bề mặt. Đường dạo núi bóc bỏ đá lát nền hiện trạng lát lại bằng đá xanh; cải tạo bậc lên xuống vỉa hè, sân nhà truyền thống. Trên các vỉa hè trồng 10 cây chuông vàng… tổng mức đầu tư công trình 14.828.496.000 đồng. Nguồn vốn từ ngân sách huyện và các nguồn huy động hợp pháp khác; Chủ đầu tư UBND huyện Đông Sơn.

Theo ông Lý Đình Thắng – cán bộ hưu trí, có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Rừng Thông: Người dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi vì sau nhiều lần kiến nghị, mong mỏi trùng tu tôn tạo lại khu di tích Đài tưởng niệm Bác Hồ, chính quyền, UBND huyện Đông Sơn đã thấu cảm, lập hồ sơ báo cáo các cấp, bộ, ngành đồng ý thực hiện chỉnh trang, tôn tạo lại di tích. Đây không chỉ là khu danh thắng, lịch sử tâm linh của nhân dân huyện Đông Sơn nói riêng mà đó còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho nhiều người dân.

Ông Lê Bá Ứng - Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện và đầu tư xây dựng huyện Đông Sơn cho biết: Đây là dự án đặc biệt quan trọng về mặt lịch sử cũng như điểm nhấn về du lịch của huyện Đông Sơn nên sau khi dự án được khởi công chúng tôi đã đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đồng thời giám sát chặt chẽ các yếu tố về kỹ thuật, đảm bảo công trình dự án được triển khai nghiêm túc đúng kỹ thuật, đúng yêu cầu, hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Tiến Anh – Hà Chi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load