(Xây dựng) – Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4430/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Nga Sơn đến năm 2045.
Phạm vi nghiên cứu trên toàn bộ địa giới hành chính huyện Nga Sơn bao gồm 24 đơn vị hành chính, quy mô diện tích tự nhiên khoảng 157,82km2. |
Cụ thể, phạm vi nghiên cứu trên toàn bộ địa giới hành chính huyện Nga Sơn, bao gồm 24 đơn vị hành chính (gồm 1 thị trấn và 23 xã), phía Bắc giáp huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, phía Nam giáp huyện Hậu Lộc và biển Đông, phía Đông giáp huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, phía Tây giáp huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn, quy mô diện tích tự nhiên khoảng 157,82km2.
Hiện trạng năm 2023 là 165.068 người (dân số đô thị 14.441 người - thị trấn Nga Sơn; dân số nông thôn 150.627 người). Tỷ lệ đô thị hóa 8,8%. Dự báo đến năm 2030: Dân số khoảng 175.000 người (dân số đô thị 55.800 người; dân số nông thôn 119.200 người). Tỷ lệ đô thị hóa 31,9%. Dự báo đến năm 2045: Dân số khoảng 200.000 người (dân số đô thị 90.000 người; dân số nông thôn 110.000 người). Tỷ lệ đô thị hóa 45%. Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 1.000ha - 1.500ha, dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2045 khoảng 1.500ha - 2.000ha (chỉ tiêu trung bình khoảng: 200 - 250m2/người).
Mô hình phát triển không gian vùng huyện Nga Sơn được xác định: “Ba khu vực trọng tâm phát triển - Hai hành lang kinh tế”. Khu vực trọng tâm phát triển đô thị (gắn với thị trấn Nga Sơn): Là thị trấn huyện lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của huyện. Có vai trò hạt nhân kinh tế - xã hội, tập trung các cơ quan đầu não của huyện, có vai trò thúc đẩy kinh tế của vùng trung tâm và của toàn huyện.
Khu vực trọng tâm phát triển công nghiệp và các ngành kinh tế biển phía Đông Nam (gắn với đô thị Hói Đào): Khu vực cửa ngõ phía Đông phát triển các ngành dịch vụ thương mại, kinh tế biển gắn với Khu công nghiệp Nga Tân, Cụm công nghiệp Long Sơn và cảng Lạch Sung. Có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng phía Đông của huyện.
Khu vực trọng tâm phát triển du lịch phía Bắc (gắn với đô thị Điền Hộ): Khu vực cửa ngõ phía Bắc phát triển về dịch vụ du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí (sân golf). Có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng phía Bắc của huyện.
Hành lang kinh tế Đông Tây là Quốc lộ 217 và 217B kéo dài kết nối không gian kinh tế với các huyện phía Tây của tỉnh, kết nối không gian kinh tế với các tỉnh phía Bắc và cả nước thông qua hai nút giao cao tốc Hà Long và Hà Lĩnh.
Hành lang kinh tế Bắc Nam là Quốc lộ 10 và đường bộ ven biển kết nối không gian kinh tế với thành phố Thanh Hóa và các huyện phía Nam, kết nối không gian kinh tế với các huyện ven biển và các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ (Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh) về kinh tế biển và du lịch…
Định hướng phát triển huyện nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn năm 2021 - 2025, phấn đấu huyện kiểu mẫu giai đoạn năm 2025 - 2030. Hướng phát triển khu vực nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại với các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh - trật tự được giữ vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2045: Toàn huyện có 1 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp. Khu công nghiệp Nga Tân quy mô 430ha, vị trí tại xã Nga Tân (giai đoạn đến năm 2030 quy mô 150ha; giai đoạn sau năm 2030 quy mô 430ha). Cụm công nghiệp Tam Linh quy mô 50ha; vị trí tại thị trấn Nga Sơn. Cụm công nghiệp Tư Sy quy mô 15ha; vị trí tại các xã Nga Bạch, Nga Thạch. Cụm công nghiệp Long Sơn quy mô 74,4ha; vị trí tại xã Nga Tân. Các mỏ khoáng sản: 4 mỏ đá (23ha); 2 mỏ đất (3,2ha); 3 mỏ cát (10.800m) theo định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và phân bố không gian phát triển các khu, điểm du lịch, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật…
UBND huyện Nga Sơn có trách nhiệm hoàn chỉnh, xuất bản hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt để lưu trữ theo quy định; bàn giao hồ sơ, tài liệu cho địa phương, các ngành, đơn vị liên quan để lưu giữ, quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt.
Tổ chức công bố rộng rãi nội dung quy hoạch vùng được duyệt chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được phê duyệt theo quy định tại khoản 12 Điều 29 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018. Quản lý, thực hiện lập quy hoạch đô thị, nông thôn và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng trên địa bàn huyện đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch vùng huyện được phê duyệt. Lập chương trình, dự án ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn, xác định các biện pháp thực hiện quy hoạch xây dựng.
Sở Xây dựng và các ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý thực hiện theo quy hoạch và các quy định hiện hành của pháp luật.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, thủ trưởng các ngành, các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành.
Tiến Anh
Theo