Thứ sáu 26/04/2024 15:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Có hay không việc UBND xã Yên Lâm “ép” doanh nghiệp trong đền bù giải phóng mặt bằng và “khuất tất” trong cấp sổ đỏ cho vợ Bí thư xã?

14:20 | 01/05/2020

(Xây dựng) - Những ngày gần đây, Báo điện tử Xây dựng nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Định đã cố tình “ép” các doanh nghiệp đóng trên địa bàn phải nộp tiền đền bù giải phóng mặt bằng cao hơn quy định. Cùng với đó là một số nội dung liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho bà Phạm Thị Sự, vợ ông Nguyễn Xuân Thái - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã về xã và trực tiếp làm việc với những người có liên quan để xác minh vụ việc.

thanh hoa co hay khong viec ubnd xa yen lam ep doanh nghiep trong den bu giai phong mat bang va khuat tat trong cap so do cho vo bi thu xa

Theo nội dung phản ánh, 3 doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn bị xã “ép” nộp tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng không đúng quy định gồm: Công ty TNHH Xăng dầu Thanh Túy (Công ty Thanh Túy – PV); Công ty TNHH Xây dựng - thương mại Lộc Phúc (Công ty Lộc Phúc - PV) và Công ty TNHH Xây dựng – thương mại Hoàng Minh. Làm việc với phóng viên, bà Trịnh Thị Định - Giám đốc Công ty Lộc Phúc cho biết, năm 2015, do nhu cầu sản xuất, Công ty Lộc Phúc đã làm đơn và được các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện cho thuê đất với diện tích 14.474m2 tại khu vực núi Lũ Mía, thôn Phúc Trí (Yên Lâm). Tại cuộc họp giữa Đảng ủy, UBND xã và các doanh nghiệp về việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đại diện các doanh nghiệp đều thống nhất tự nguyện ủng hộ thêm kinh phí giúp địa phương đầu tư xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Công ty đã nộp tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với đơn giá 90.000 đồng/m2 (bao gồm cả tiền hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới), tổng số tiền nộp hơn 1,3 tỷ đồng.

Cũng tại buổi làm việc này, bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Công ty Thanh Túy cho biết, năm 2015, Công ty của bà được tỉnh cho thuê 25.596m2 đất để mở rộng sản xuất, cũng với đơn giá 90.000 đồng/m2, tổng tiền trên 2,303 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, cũng như bà Định, bà Thanh khẳng định, số tiền nộp tăng thêm là do doanh nghiệp hoàn toàn tự nguyện, không hề bị ép buộc. Kết thúc buổi làm việc, Giám đốc hai doanh nghiệp bày tỏ tâm tư: “Chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất, khai thác đá đóng trên địa bàn, được các cấp, ngành chức năng, nhất là UBND xã tạo điều kiện trong sản xuất, kinh doanh. Do vậy, việc chúng tôi ủng hộ địa phương xây dựng nông thôn mới cũng như các hoạt động từ thiện xã hội khác là điều bình thường, hoàn toàn do tự nguyện. Nhưng không hiểu sao lại có thông tin cho rằng chúng tôi tố cáo xã thu tiền cao hơn quy định? Mấy ngày qua, chúng tôi đã phải gặp, trả lời cơ quan chức năng về nội dung này. Rất mong báo chí lên tiếng thanh minh cho chúng tôi”.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, sau khi tổ chức Đoàn Thanh tra về làm việc tại Yên Lâm, ngày 28/4/2020, UBND huyện Yên Định đã ban hành Kết luận số 01/KL-UBND. Nội dung nêu rõ “Việc UBND xã Yên Lâm thu tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng của 03 doanh nghiệp trên là đảm bảo đúng quy định. Việc hỗ trợ kinh phí cho xã xây dựng nông thôn mới là do các doanh nghiệp tự nguyện, không có việc Chủ tịch UBND xã tự áp giá…”. Cùng với đó, Kết luận của Chủ tịch UBND huyện cũng yêu cầu “UBND xã Yên Lâm khi thu tiền giải phóng mặt bằng và tự nguyện ủng hộ của các doanh nghiệp phải làm rõ từng nội dung các khoản thu, không để dẫn đến hiểu nhầm”.

Được biết, toàn bộ số tiền thu từ đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và ủng hộ xây dựng nông thôn mới của 3 doanh nghiệp đều được UBND xã nộp vào kho bạc Nhà nước và thu, chi rõ ràng, minh bạch theo đúng quy định của Nhà nước, hàng năm đều có quyết toán ngân sách và thanh, kiểm tra.

Ngoài nội dung trên, vấn đề liên quan đến phản ánh của dư luận về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng cho bà Phạm Thị Sự (vợ ông Thái - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm). Thanh tra huyện đã có Báo cáo số 32 ngày 19/12/2018. Theo đó, việc xã Yên Lâm và UBND huyện Yên Định xác định nguồn gốc đất do gia đình bà Sự khai hoang từ năm 1989 là đúng thực tế. Sau đó, năm 1992, bà Sự đã ký hợp đồng nhận khoán trồng rừng với nông trường Thống Nhất. Đến năm 2010, trước thời điểm UBND tỉnh có quyết định thu hồi, đất này vẫn thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Thống Nhất và bà Sự là người đang sử dụng trồng cây lâm nghiệp.

Ngày 1/12/2010, UBND huyện đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BD960433 cho bà Sự, diện tích 30.884m2, loại đất lâm nghiệp, thời hạn sử dụng 50 năm (từ 1989 – 2039).

Cùng với việc xác định nguồn gốc đất, báo cáo cũng nêu rõ việc ra quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Sự khi chưa có quyết định giao đất cho hộ dân là chưa đúng quy định. Do đó, Thanh tra huyện kiến nghị UBND huyện thu hồi, hủy bỏ Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Sự vì chưa đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đất đai năm 2003. Đồng thời, đề nghị UBND huyện xem xét giao đất và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Sự. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thu hồi, hủy bỏ Quyết định và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với gia đình bà Sự vào năm 2018, đến nay việc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Sự vẫn chưa được thực hiện.

Như vậy, có thể nói việc ra Quyết định và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Phạm Thị Sự là phù hợp thực tế, đúng đối tượng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã xảy ra những sai sót, trách nhiệm chính thuộc về Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện do chưa làm tốt vai trò cơ quan chuyên môn, tham mưu cho UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho bà Sự khi chưa được cấp có thẩm quyền giao đất là trái quy định.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load