(Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công điện về việc triển khai ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt.
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 6/9 đến sáng 9/9 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa lớn diện rộng đã gây ngập lụt cục bộ tại một số địa điểm. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, Giám đốc các Công ty: Khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ và các hình thái thiên tai có thể xảy ra do mưa lớn như lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Khẩn trương huy động các nguồn lực để nhanh chóng khắc phục các hậu quả do bão số 3 và mưa, lũ gây ra, trong đó chú trọng khắc phục ngay các hư hỏng, thiệt hại về nhà ở, đảm bảo an toàn cho người dân. Khắc phục, khôi phục các thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, tập trung tiêu úng, bảo vệ sản xuất, đặc biệt là bảo vệ diện tích lúa vụ hè thu; khắc phục sự cố hư hỏng, sạt lở của các công trình giao thông đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Chủ động tổ chức sơ tán, di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, các hộ gia đình có nhà yếu ách, không đảm bảo an toàn; đặc biệt là khu vực miền núi của tỉnh, yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức sơ tán, di dời người dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực đã chịu thiệt hại do bão số 3 vừa qua, bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm tràn, khu vực thường xuyên ngập lụt để hướng dẫn giao thông và đảm bảo an toàn cho người dân. Tổ chức kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện và các công trình phòng, chống thiên tai khác, đặc biệt là các vị trí xung yếu, các công trình đang hư hỏng, các tuyến sông đang có lũ lớn, các vị trí đã xảy ra sự cố, sạt lở bờ sông, bờ biển, mái taluy đường giao thông trong thời gian vừa qua và các công trình đang thi công dở dang. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, xử lý các sự cố công trình và khắc phục nhanh hậu quả của mưa, lũ khi có các tình huống xảy ra.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo khắc phục nhanh các sự cố công trình giao thông. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn khôi phục sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại bị thiệt hại; tiếp tục triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thuỷ, hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hệ thống điện; điều tiết các hồ thuỷ lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý chỉ đạo các chủ hồ chứa thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn tiếp tục hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương khắc phục hậu quả của bão số 3, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó với mưa, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.
Thảo Chi
Theo