(Xây dựng) - Thành cổ Diên Khánh là công trình di tích văn hoá nổi tiếng tại thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Đây là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc ta thời Nguyễn. Nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 10km về phía Tây đến địa phận khóm Đông Môn, thị trấn Diên Khánh. Thành cổ vẫn giữ lại cho mình gần như nguyên vẹn với kiến trúc xưa độc đáo.
Thành cổ Diên Khánh được xây dựng theo một kiến trúc rất độc đáo kiểu Vauban, là một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ thứ XVII, XVIII của Tây Âu. |
Thành cổ Diên Khánh nằm trên diện tích khoảng 36.000m2; gồm 6 đoạn tường thành chạy uốn khúc theo hình lục giác, dài khoảng 2.694m, xây cao khoảng 3,5m.
Thành Diên Khánh là một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng tại thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa, là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Hiện nay, thành cổ Diên Khánh vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ ban đầu, một địa điểm hấp dẫn các du khách đến Khánh Hòa. Nó được xây bởi phe chúa Nguyễn trong thời kỳ chiến tranh với Tây Sơn.
Ban đầu, thành Diên Khánh có 6 cửa (cổng), nhưng 2 cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp năm 1823, đến nay chỉ còn 4 cửa Ðông - Tây - Tiền (Nam) - Hậu (Bắc). Với lối kiến trúc thành cao hào sâu, trên mặt tường thành và phía ngoài hào cây cối um tùm, thành Diên Khánh đã trở thành một cứ điểm quân sự quan trọng trong hệ thống phòng thủ trước kia. Trải qua lịch sử hơn 200 năm, Thành cổ Diên Khánh đã chứng kiến bao biến động, thăng trầm của xã hội thời phong kiến cũng như cuộc đấu tranh của nhân dân Khánh Hòa trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Lịch sử hình thành của thành Diên Khánh
Thành được xây dựng vào năm 1793 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh. Thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng lâu dài, Nguyễn Ánh quyết xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc, một vành đai phòng ngự kiên cố từ xa.
Lầu tứ giác có mỗi cạnh 3,30m với 4 cửa rộng 1,30m cao 2,5m, trên cùng là cổ lầu có mái uốn cong lợp ngói âm dương; cổ lầu cao 4,1m so với nền; hai bên lầu tứ giác được xây lan can cao 0,85m. |
Hoàng tử Cảnh đã trực tiếp trông coi việc xây dựng thành Diên Khánh. Nhân lực để đắp thành gồm 3.000 quân Bình Thuận, 100 dân Thuận Thành và trong hơn một tháng thì xong. Nơi đây từng là trung tâm chính trị, hành chính của dinh Bình Khang (ngày nay là huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) và cũng là di sản văn hóa có giá trị nhiều mặt về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử và quân sự.
Phục dựng di tích, phát triển du lịch
Trải qua lịch sử hơn 200 năm, Thành cổ Diên Khánh đã chứng kiến bao biến động, thăng trầm của xã hội thời phong kiến cũng như cuộc đấu tranh của nhân dân Khánh Hòa trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Ghi nhận những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Thành cổ Diên Khánh, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa ban hành quyết định số 1288/VH-QĐ xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Cùng với sự bào mòn của thời gian, tòa thành đã bị rêu phong và xói mòn mất nhiều đoạn tường đất, hào thành. Năm 2003, Thành Diên Khánh đã được trùng tu, sơn sửa bốn cổng, gia cố những nơi bị nứt tường giột nước mưa và một số đoạn tường thành.
Hai bên các cổng xây bậc cấp rộng 3m để đi lên phía trên cổng thành. |
Lầu tứ giác trên thành có lan can. |
Đường đi trên bờ thành rộng 5,35m. |
Nối liền với bốn cổng là hệ thống tường thành đắp bằng đất thoai thoải phía bên trong, hơi thẳng đứng phía bên ngoài. Các đoạn tường thành bằng đất không còn nối liền mạch như xưa; tổng chiều dài tường thành bằng đất hiện nay dài 1.656m, cao 3m, bề mặt rộng hơn 5m.
Một góc thị trấn Diên Khánh nhìn từ lan can cổng Tây của thành cổ Diên Khánh. |
Năm 1988, Thành cổ Diên Khánh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hoà tiến hành dự án tu bổ Thành Diên Khánh và khoanh vùng các khu vực bảo vệ nhằm tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Cuối năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định di dời các cơ quan hành chính, quân sự khỏi nội thành Diên Khánh để biến nơi đây thành phố đi bộ và dần phục hồi các công trình mang dấu tích lịch sử để phục vụ du lịch.
Hoàng Sơn
Theo