Thứ sáu 11/10/2024 23:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Thái Nguyên: Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, vi phạm trong quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

10:31 | 25/07/2023

(Xây dựng) - Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 1727-TB/TU ngày 07/4/2023 và ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ngày 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chỉ đạo cụ thể tới các Sở, ban, ngành nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn.

Thái Nguyên: Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, vi phạm trong quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Bên cạnh việc gây ô nhiễm môi trường, mỏ đá Lân Đăm 3 còn khiến người dân luôn phải sống trong cảnh bất an, nơm nớp lo sợ mỗi khi nổ mìn.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả, đúng pháp luật vật liệu nổ công nghiệp, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và an ninh chính trị tại địa phương; quản lý chặt chẽ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp; việc cấp phép sử dụng dịch vụ nổ mìn, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải đảm bảo tuân thủ đúng, đầy đủ, chặt chẽ các quy định của pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và các hoạt động liên quan; kiên quyết thu hồi giấy phép về vật liệu nổ công nghiệp, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, nhất là các hành vi lợi dụng để gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân, theo quy định

Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Công Thương: Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

Tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, đặc biệt quan tâm xác định rõ vị trí nổ mìn, bán kính an toàn nổ mìn, vị trí các công trình cần bảo vệ; các điều kiện về bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; trình độ chuyên môn của chỉ huy nổ mìn, thợ mìn và những người liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp; thời hạn sử dụng của thiết bị nổ mìn, các phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo quy định;

Tăng cường kiểm soát việc bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản, đặc biệt lưu ý việc cấp phép khối lượng vật liệu nổ công nghiệp cho các đơn vị sử dụng phải phù hợp với công suất khai thác mỏ, chỉ tiêu thuốc nổ đơn vị và thiết kế mỏ được phê duyệt theo quy định;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thường xuyên rà soát các điều kiện sử dụng vật liệu nổ công nghiệp sau cấp phép; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;

Tăng cường phối hợp với cơ quan công an nắm bắt thông tin về các hành vi trộm cắp, mua bán, sử dụng, vận chuyển trái phép vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn kịp thời, tham mưu, đề xuất xử lý theo quy định.

Công an tỉnh: Tăng cường kiểm soát chất lượng công tác cấp giấp phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, công tác thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy đối với kho vật liệu nổ công nghiệp trước khi đưa vào sử dụng; Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện, duy trì các điều kiện về an ninh trật tự, phỏng cháy chữa cháy đối với các đơn vị hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

Tăng cường chỉ đạo công an các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống cháy nổ trong khu vực có hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các đơn vị khai thác khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; tăng cường giám sát các ảnh hưởng nổ mìn của các đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Đối với Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu: Tăng cường kiểm soát chất lượng công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và thiết kế sau thiết kế cơ sở của dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đảm bảo đúng điều kiện thực tế, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành;

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thi công, khai thác theo thiết kế mỏ vật liệu xây dựng đã phê duyệt đối với các mỏ có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

UBND các huyện, thành phố: Tăng cường chủ động nắm bắt tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại địa phương; tăng cường phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh trong việc thanh tra, kiểm tra và giải quyết các vấn đề liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp; xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền khi phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý địa bàn, đặc biệt là địa bàn khu vực khai thác khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm; báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp cho UBND các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng liên quan; giám sát, yêu cầu các đơn vị thực hiện nổ mìn theo đúng thời gian đã thông báo để đảm bảo an toàn cho người dân.

Cách đây chưa lâu, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố đối với Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước) và 32 bị can khác trong vụ án vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại Mỏ than Minh Tiến (Thái Nguyên). Đáng chú ý là tại Sở Công thương Thái Nguyên, các cá nhân, gồm: Nguyễn Văn Phong (Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường), Đỗ Huy Cương (Phó phòng), Nguyễn Ngô Quyết (Giám đốc) đã thừa nhận việc thẩm định, tham mưu, ký ban hành giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty Yên Phước với khối lượng gấp 4 so với thiết kế được phê duyệt. Nhóm cán bộ này bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cũng tại Thái Nguyên, thời gian qua nhiều mỏ đá kể từ khi đi vào khai thác đã người dân luôn phải sống trong cảnh bất an, nơm nớp lo sợ. Ngoài việc nhà cửa bị nứt, gãy, tình trạng sạt lở, đá bay vào nhà dân vẫn thường xuyên xảy ra như ở các xã Quang Sơn, Tân Long… huyện Đồng Hỷ.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load