(Xây dựng) - UBND TP Thái Nguyên vừa phối hợp với Cty CP Thương mại Thái Hưng tổ chức công bố, công khai quy hoạch chi tiết Khu tổ hợp Thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) theo Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên.
Phối cảnh tổng thể góc Dự án Thái Hưng Eco City
Theo Quyết định 4060/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên Dự án Thái Hưng Eco City do Cty CP Thương mại Thái Hưng làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 2.100 tỷ đồng, tọa lạc trên diện tích đất hơn 354.230m2 tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, quy mô dân số khoảng 3.800 người, với các hạng mục như: Đất công cộng diện tích trên 21.596m2 chiếm tỷ lệ 6,1% tổng diện tích; đất trường học hơn 11.283m2, chiếm tỷ lệ 3,19%; đất ở trên 125.000 nghìn m2 chiếm 35,48%; đất nhà ở xã hội hơn 20.324m2 chiếm 5,74%; mặt nước, cảnh quan hơn 21.198m2 chiếm 5,98%; đất đường giao thông hơn 122.640m2 chiếm 34,62%; bãi đỗ xe hơn 4.821m2 chiếm 1,36%...
Theo quy hoạch, phía Bắc Dự án Thái Hưng Eco City giáp khu dân cư hiện trạng, chợ Gia Sàng; phía Nam dự án giáp khu dân cư hiện trạng và Lữ đoàn… Phía Đông dự án giáp đường Cách mạng Tháng 8 và phía Tây dự án giáp tuyến đường quy hoạch, khu dân cư hiện trạng.
Dự án tận dụng điều kiện địa hình tự nhiên có cảnh quan đẹp, bố trí khu cây xanh, công viên đô thị đóng góp tối đa cho cảnh quan chung... theo mô hình đô thị sinh thái.
Sau khi công bố quy hoạch, phía chủ đầu tư là Cty CP Thương mại Thái Hưng sẽ khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo để triển khai dự án trong quý II năm 2018.
Được biết, trước đó, theo quy hoạch chung của TP Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2016 TP Thái Nguyên sẽ “phát triển theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, từng bước phát triển công nghiệp công nghệ cao; khu vực sản xuất gây ô nhiễm, nhà máy xí nghiệp nhỏ lẻ, rải rác trong khu vực nội thị sẽ được di dời, quỹ đất hiện có được chuyển đổi thành các chức năng dân dụng phục vụ đô thị...”
Để phù hợp với quy hoạch, cuôi năm 2017 UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã quyết định cho di dời nhà máy luyện cán thép Gia Sàng do công nghệ cũ, lạc hậu, phải dừng sản xuất nhiều năm, nợ nần chồng chất và buộc phải phá sản…
NTV
Theo