(Xây dựng) - Những năm gần đây, thị trường bất động sản cho người đã khuất tại thành phố Thái Nguyên sôi động bất thường, với nhiều giao dịch ngầm trước sự “lãng quên” của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Giá đất xây phần mộ tại các khu nghĩa trang còn cao hơn cả giá đất thổ cư dành cho người sống ở các khu vực lân cận. |
Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có 2 khu nghĩa trang quy mô lớn đã được phê duyệt quy hoạch, gồm: Nghĩa trang Dốc Lim, nghĩa trang phía Nam và 2 khu nghĩa trang hiện đại do doanh nghiệp đầu tư là Ngân Hà Viên và An Lạc Viên với tổng diện tích lên đến gần 500ha.
Ở khu vực giáp danh giữa tổ 5, phường Thịnh Đán và xóm Nhân Hòa, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên là khu nghĩa trang dân sinh được hình thành từ lâu, còn được gọi là khu Dốc Lim.
Cùng với sự cạnh tranh khá gay gắt giữa khu nghĩa trang hiện đại do doanh nghiệp đầu tư, tạo sự lựa chọn cho đối tượng khách hàng có kinh tế dư giả, thì đất tại khu nghĩa trang Dốc Lim cũng khá “nóng” bởi sự vào cuộc của nhiều người, nhiều giới, tạo nên một thị trường khá sôi động.
Đặc biệt, nhiều gia đình, dòng họ không “thích” mua đất phần âm tại các khu nghĩa trang hiện đại do doanh nghiệp đầu tư, càng không thích sự cạnh tranh, nhộn nhạo và chật chội tại khu nghĩa trang Dốc Lim đã bỏ tiền ra tự mua đất lập nên các khu mộ lớn, bé khác nhau tùy theo khả năng kinh tế cũng như “quan hệ” của người đại diện.
Theo đó, một thị trường bất động sản tự do dành cho người đã khuất diễn ra rất sôi động tại thành phố Thái Nguyên. Các gia chủ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua “cò” đổ xô đi mua đất đồi, đất ruộng của người dân giáp danh với các nghĩa trang nói trên để xây dựng nghĩa trang “hoành tráng” của gia đình.
Người làm bé thì xây dựng trên diện tích khoảng từ 30-40m2, người có nhiều tiền thì lên tới cả nghìn m2, còn trung bình từ 100-200m2.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản tại địa phương: Giá đất xây phần mộ tại các khu nghĩa trang ở thành phố Thái Nguyên cũng như giá mua đất mộ phần tại đây còn cao hơn cả giá đất thổ cư dành cho người sống ở các khu vực lân cận. Để xây dựng được một khu như vậy, giá trị đầu tư và xây dựng thường rơi vào khoảng hơn 400 triệu đồng, thậm chí có thể lên tới cả chục tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong các khu nghĩa trang gia đình tự phát nói trên có nhiều khu được cho là của các gia đình nguyên, đương là lãnh đạo của địa phương như khu mộ gia tộc họ Nhữ, họ Mai…
Mục sở thị khu nghĩa trang gia đình họ Mai được xây dựng ngay cạnh đường bê tông, giáp với hàng rào của nghĩa trang An Lạc Viên (thuộc tổ 5, phường Thịnh Đán) chúng tôi ước lượng có diện tích đất khoảng 2.000m2.
Khu mộ được xây dựng khá kiên cố với tường rào bằng gạch được trát vữa xi măng cẩn thận cao gần 3m. Không những thế, phía trên tường rào, gia chủ còn cẩn thận gắn thêm một lớp dây thép gai. Bên trong khu mộ được san ủi tương đối bằng phẳng, gia chủ trang bị cả một hệ thống đèn điện cao áp chiếu sáng.
Theo anh S, một người chuyên đi xây mộ ở khu này cho biết, chỉ riêng phần công làm hàng rào cho khu mộ gia đình này cũng lên tới hơn 500 triệu đồng. Còn bên trong có hệ thống sân vườn được lát đá cao cấp, hệ thống cây cảnh, trang trí cũng lên tới tiền tỷ. Nếu tính cả tiền đất theo thời giá hiện tại là 4 triệu đồng/m2, thì để đầu tư được như vậy thì phải có trên 15 tỷ đồng.
Khu nghĩa trang gia đình họ Mai được xây dựng khang trang, kiên cố với quy mô hơn 2000m2. |
Theo những người được cho là “cò” đất nghĩa địa, việc mua đất xây mộ tại khu vực này dễ như mua rau. Họ khẳng định: Với bất động sản cho người sống nhiều khi có thể bị đóng băng và hồi phục chậm nhưng bất động sản cho người âm sẽ luôn phát triển mạnh và không bao giờ bị đóng băng. Nó đặc biệt nhộn nhịp vào những tháng cuối năm âm lịch…
Vào vai một người đi tìm đất xây khu mộ gia đình để quy tập mộ cho các cụ, không khó để chúng tôi liên lạc được với những chủ đất muốn bán tại khu vực Dốc Lim. Chỉ cần đến ngó nghiêng tại khu vực này, đã có những người tự xưng là cai thầu xây mộ nhiệt tình đến hỏi chuyện là muốn mua đất như thế nào, muốn mua diện tích bao nhiêu và giới thiệu cho các chủ đất tại đây.
Qua giới thiệu, chúng tôi đã gặp một người đàn ông tên C là một chủ đất có bán cho người có nhu cầu làm khu mộ gia đình. Ông ta nói muốn đất diện tích như nào cũng có, giá cả thì tùy thuộc từng khu vực. Nếu lô ở xa đường đi lại thì 2,5 triệu đồng/m2, còn ở gần đường bê tông hơn thì khoảng 3,5 triệu đồng/m2.
Khi được hỏi nguồn gốc đất khi mua bán tại đây như thế nào thì tất cả những người bán đều cho biết chỉ có giấy tờ viết tay, không có chứng nhận của chính quyền địa phương. “Nhưng yên tâm, cứ xây dựng bình thường vì “đóng luật” rất nhẹ nhàng, mà không lo bị tranh chấp nếu đã giao dịch” - những người bán đất cam kết.
Đem nội dung trên trao đổi với Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên. Lãnh đạo xã Thịnh Đức cho rằng, đây không phải là do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, mà là lỗi tại người dân bán đất trái phép không báo cáo, việc xây mộ là làm trộm... và nhiều lý do khác nên khó quản lý.
Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên cũng cho rằng: Do người dân bán chui với nhau nên khó xử lý. Trong khi phường đã có các Văn bản chỉ đạo thường xuyên đến các bộ phận chuyên môn, tổ dân phố là nếu vi phạm sẽ bị xử lý, các khu đất giao dịch như vậy sẽ không được phường đồng ý cho sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thế nhưng, dù đã được phản ánh thì việc kiểm tra, xử lý lại diễn ra khá chậm chạp. Câu hỏi đặt ra là: Có hay không việc bỏ ngỏ trong quản lý lĩnh vực đất đai này tại thành phố Thái Nguyên; hay đây là chính sách được chính những người trong cuộc “bày ra” để dễ bề thao túng thị trường bất động sản béo bở này?
Thái Nguyên Nhân
Theo