Thứ hai 09/09/2024 15:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thái Nguyên: Nhiều vấn đề “nóng” chờ đợi tân Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải?

18:23 | 25/05/2020

(Xây dựng) - Chính thức nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên từ chiều 23/5, nguyên Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải sẽ đối diện những thử thách cụ thể nào tại địa phương này? Báo điện tử Xây dựng xin có những tổng hợp đầu tiên.

thai nguyen nhieu van de nong cho doi tan bi thu tinh uy nguyen thanh hai
Nhiều dự án trọng điểm tại Thái Nguyên còn dang dở…

Kết quả đáng trân trọng

Với những cố gắng, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Thái Nguyên đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2019 là 12,1%, dự ước 5 năm 2016 - 2020 tăng 11,1%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (tăng 10%/năm).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thuỷ sản. Thu ngân sách Nhà nước: Năm 2015 đạt hơn 7.300 tỷ đồng; dự ước thu ngân sách năm 2019 đạt hơn 15.000 tỷ đồng (tăng gấp hai lần so với năm 2015). Công nghiệp có bước phát triển vượt bậc, giá trị sản xuất công nghiệp dự ước 5 năm 2016 - 2020 tăng 16,2%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (tăng 15%/năm).

Giá trị xuất khẩu dự ước 5 năm 2016 - 2020 tăng 13,1%/năm, về trước mục tiêu Nghị quyết 2 năm (tăng 9%/năm). Riêng năm 2018, có 2 chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đứng thứ 4/63 tỉnh, thành trong cả nước. Các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đang phục hồi, phát triển.

Chú trọng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 101/140 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới) và phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao chất lượng và thương hiệu chè, ứng dụng khoa học công nghệ cao theo vùng sản xuất lương thực, thực phẩm, rau củ, quả phục vụ chính cho các khu cụm công nghiệp, Đại học Thái Nguyên và nhân dân trong, ngoài tỉnh.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hoá cho công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm ở nông thôn, vùng triển khai các dự án đầu tư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh được tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ tỉnh, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trong công tác nhân sự, tân Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã và sẽ có đội ngũ cán bộ các cấp nòng cốt tại địa phương trẻ trung, năng động, dám nghĩ, dám làm.

Nhiều thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang có những khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân như: Tình hình dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất nông nghiệp và khó khăn cho người chăn nuôi; một số dự án, công trình trọng điểm còn vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, chưa đảm bảo được nguồn vốn đối ứng cho dự án nên chậm triển khai thực hiện; một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ; khả năng đáp ứng vốn cho nhiều chương trình, dự án còn thiếu…

Trong những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 13,4% năm 2015 xuống còn 4,3% năm 2019, giảm nhanh hơn tốc độ bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, Thái Nguyên còn 578 xóm thuộc khu vực đặc biệt khó khăn và xã khu vực III với trên 14.400 hộ nghèo và trên 21.300 hộ cận nghèo. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh là một nhiệm vụ không đơn giản.

Trong khi đó, lĩnh vực thu ngân sách địa phương chưa thực sự bền vững, phần lớn vẫn phụ thuộc vào các ngành khai khoáng và đất đai. Trong một thời gian dài, ngoài đầu tư của Samsung, Núi Pháo… các doanh nghiệp địa phương cũng chỉ tập trung đầu tư vào phát triển khu dân cư, khu đô thị hoặc gia công sản xuất hàng hóa, thay vì đầu tư vào phát triển sản xuất với những nguồn nguyên liệu từ địa phương và có quy mô lớn…

Bên cạnh đó, nhiều người dân còn dõi chờ ứng xử của tân Bí thư Tỉnh ủy đối với những kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên hồi tháng 7/2019; Là việc giải quyết những bức xúc của người dân đối với trạm BOT Bờ Đậu; Chuyện đô thị thành phố Thái Nguyên gần 60 năm thành lập và đã được công nhận đô thị hạng I nhiều năm vẫn chưa thể có nổi một công viên; hay như ngành thể thao tỉnh dù không hiếm nhân tài nhưng nhiều năm vẫn chẳng có thành tích cao…

thai nguyen nhieu van de nong cho doi tan bi thu tinh uy nguyen thanh hai
Phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp đang được xây dựng.

Trong lĩnh vực đầu tư, mặc dù thu hút được nguồn lực lớn đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nhưng việc triển khai các dự án gặp không ít vướng mắc, khó khăn. Ðiển hình như Dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu với 9 dự án thành phần, tổng số vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng do Công ty Cổ phần Sông Cầu - Thái Nguyên là đại diện đầu tư, bị ách tắc hơn hai năm qua do vướng khâu hoàn thiện thủ tục hành chính, điều chỉnh quy hoạch, nay lại đang chờ Kết luận của Thanh tra.

Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Ðá Thiên, huyện Ðồng Hỷ đã được trao Quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc (Ninh Bình) với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, thời gian và tiến độ thực hiện dự án nêu rõ quý II/2018 hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng; từ năm 2019 thi công các hạng mục, nhưng đến nay vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhiều thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện.

Đó còn là dự án đình đám Khu du lịch tâm linh hồ Núi Cốc với tổng số vốn đầu tư dự kiến tăng lên hơn 20 nghìn tỷ đồng, khởi công từ năm 2016 nay cũng đang rơi vào lo ngại không biết đến thời điểm kết thúc...

Đó cũng là câu chuyện 2 dự án chiếm giữ đất vàng tại thành phố Thái Nguyên của Công ty Cổ phần Trung Tín, mặc dù đã có Kết luận Thanh tra về sai phạm từ năm 2017 và UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thu hồi dự án từ năm 2013, thế nhưng đến nay, nhà đầu tư vẫn không chịu bàn giao…

Đó là chuyện nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch, mà điển hình là Công trình xây dựng nhà ở xã hội - Khu chung cư Đại Nam (chung cư Green Pearl) tại tổ 27, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên sau 2 năm triển khai xây dựng, đến cuối năm 2018 công trình này đã thi công được 1 tầng hầm, 7 tầng nổi thì mới kiểm tra là không phép, và trong khi Thanh tra chưa có Kết luận thì doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện thêm được 4 - 5 tầng…

Đó là 2 dự án sân golf đang “tích cực triển khai” gồm: Dự án sân golf 36 lỗ Yên Bình (nằm trong Dự án Tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình) và Dự án sân golf hồ Núi Cốc có quy mô 36 lỗ lại vướng phải rào cản quá lớn là cả hai dự án sân golf trên đều sử dụng khá nhiều đất lúa, đất rừng, (với gần 80ha đất rừng phòng hộ tại Dự án sân golf hồ Núi Cốc; hàng trăm ha đất lúa và đất rừng đối với dự án sân golf 36 lỗ Yên Bình)…

Đó còn là một số dự án chồng chéo về địa điểm đầu tư, khó khăn về giải phóng mặt bằng. Là việc một số doanh nghiệp lớn ký biên bản ghi nhớ đầu tư (chiếm khoảng 40% tổng số vốn cam kết đầu tư vào tỉnh tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018) nhưng đến nay chưa tích cực triển khai... cho thấy để hấp thụ được nguồn vốn đầu tư lớn cần sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của những người đứng đầu tại địa phương…

Người dân Thái Nguyên trân trọng và hy vọng tân Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải với năng lực trí thức cao cả, tâm lãnh đạo trong sáng, bản lĩnh sẽ sớm đưa tỉnh nhà lên một tầm cao mới, xứng đáng với vị trí trung tâm của vùng Việt Bắc.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load