Teotihuacan ngày nay chỉ còn là một cái tên trong sử sách và một khu di tích trên thực tế ở Mexico. Nhìn vào đó, gần như không ai có thể hình dung ra được rằng thế kỷ thứ V, với hơn 200.000 dân, đây từng là một trong những đô thành lớn nhất thế giới.
Teotihuacan được coi là nơi phát tích của các nền văn hoá khu vực Trung Mỹ. Người Mexico cho rằng đây là nơi "mọi người trở thành chúa thần". Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng đô thị này bị bỏ hoang từ thế kỷ thứ VII hoặc thứ VIII, nhưng không rõ lý do vì sao. Họ cũng chưa trả lời được câu hỏi người thuộc sắc tộc và tôn giáo nào đã quản lý đô thị này.
Vì sao thành phố lại tàn vong vẫn là một câu đố thách thức trí tuệ của các nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử và văn hoá toàn cầu. Mới đây, nhà khoa học Linda Manzanilla thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia ở thành phố Mexico City đã đưa ra một giả thuyết giải mã sự tàn vong này.
Theo bà, thành phố này phát triển được tới cực thịnh trước hết nhờ thu hút được người dân ở những vùng xung quanh. Núi lửa hoạt động trong thế kỷ thứ IV và thứ V đã buộc dân chúng ở vùng bị ảnh hưởng dồn về sống ở Teotihuacan. Chính quyền thành phố này đã tổ chức quản lý đô thị bằng cách phân chia dân cư ra những khu biệt lập nhau dựa trên sản xuất chuyên ngành hoặc nghề thủ công như nhau.
Thời kỳ đầu, mọi chuyện tốt đẹp nhờ sự cộng sinh và chung cư hài hoà. Sự phát triển của thành phố, vận dụng tri thức mới trong sản xuất đã dần tạo nên sự khác biệt vai trò và ảnh hưởng giữa các khu vực dân cư với nhau. Mâu thuẫn và xung khắc lợi ích xuất hiện giữa các khu vực dân cư với nhau và giữa họ với tầng lớp lãnh đạo đô thị, trở nên ngày càng sâu sắc hơn và cuối cùng đã đưa đến kết quả là không bên nào còn có thể trụ lại được nữa ở đô thành này. Không phải bên ngoài mà chính người ở đó đã làm đô thị này tàn vong.
Theo Kinh tế & Đô thị
Theo