(Xây dựng) – Sáng 11/4, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi tập huấn quy trình thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp dân cho các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Xây dựng. Tham dự tập huấn có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cùng lãnh đạo các cục, vụ.
Toàn cảnh buổi tập huấn.
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Tổ chức tập huấn là cơ hội để tập trung trao đổi, nâng cao nhận thức đúng vấn đề về thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp dân cho các đơn vị hành chính và đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. Mặt khác cũng sẽ giải quyết được những vướng mắc vốn còn tồn đọng, đảm bảo tuân thủ pháp chế và kỷ luật Nhà nước.
Nội dung chương trình tập huấn được triển khai qua 3 chuyên đề đó là phổ biến về quy trình thanh, kiểm tra; phổ biến cách thức để tổ chức tiếp đoàn thanh tra, các nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp dân tại đơn vị; phổ biến một số nội dung thực tế liên quan đến công tác thanh tra tại các đơn vị.
TS Nguyễn Huy Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trưởng cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng, công tác thanh tra trước hết là một bộ phận hợp thành của công tác lãnh đạo, quản lý, là một trong ba yếu tố quyết định sự thành công của đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã ban hành. Nếu công tác thanh tra không được tiến hành thường xuyên sẽ dẫn đến bệnh quan liêu, mệnh lệnh, từ đó tiếp tục gây ra tác hại to lớn khác cho sự nghiệp cách mạng.
Thông qua việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra mà các nhà lãnh đạo, quản lý có được những thông tin phản hồi từ thực tế cuộc sống, đó là những dữ liệu quan trọng để đề ra những chủ trương, chính sách sát, hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Thanh tra thường xuyên là yêu cầu không thể thiếu được nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Muốn đảm bảo tính thường xuyên của công tác thanh tra, yêu cầu nhất thiết đặt ra là người lãnh đạo quản lý phải tạo điều kiện cho tổ chức thanh tra hoạt động theo chức năng nhiệm vụ quyền hạn. Tính thường xuyên trong hoạt động thanh tra do chính đặc điểm tính chất của hoạt động chấp hành, điều hành trong quản lý hành chính Nhà nước quyết định và có mối quan hệ chặt chẽ với yêu cầu kịp thời của việc ra quyết định lãnh đạo, quản lý.
Thanh tra với tư cách là một chức năng, một giai đoạn của chu trình quản lý Nhà nước, thanh tra luôn gắn liền với quản lý Nhà nước, ở đâu có quản lý Nhà nước, ở đó có hoạt động thanh tra, quản lý sẽ không đạt được hiệu quả nếu tách khỏi hoạt động thanh tra.
Trong quá trình quản lý Nhà nước, các chủ thể quản lý quy định thẩm quyền, hình thức, thủ tục hoạt động của các cơ quan thanh tra, sử dụng các thông tin, kết luận của cơ quan thanh tra để xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực quản lý, đối với cơ quan thanh tra, thanh tra không chỉ phát hiện ra những sai lệch trong quản lý Nhà nước, mà những kiến nghị của cơ quan thanh tra sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý nNhà nước xem xét lại cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật.
Trong hoạt động thanh tra, thanh tra Bộ có nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ.
Thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước do Bộ trưởng quyết định thành lập, thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành, lĩnh vực do Bộ phụ trách; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc ngành, lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ khi cần thiết; thanh tra vụ việc khác do Bộ trưởng giao; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra theo quy định của pháp luật hiện hành, Thanh tra Bộ còn có một số nhiệm vụ: Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ, tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và công chức làm công tác thanh tra thuộc Bộ.
Hà Đào
Theo