Thứ sáu 19/04/2024 23:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tăng cường giải pháp bảo đảm lối đi trên vỉa hè dành cho người khuyết tật

09:00 | 16/02/2021

(Xây dựng) - Trên thực tế, lối đi của người khuyết tật trên vỉa hè địa bàn Thành phố Hà Nội đang không được chú trọng xây dựng và đầu tư, khiến họ khó tiếp cận và đi lại. Để giải quyết tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường các giải pháp bảo đảm người khuyết tật có lối đi thông thoáng.

tang cuong giai phap bao dam loi di tren via he danh cho nguoi khuyet tat
Đường dành người khuyết tật đang bị chắn ngang bởi các điểm để xe máy. Nếu đi trên đoạn này, người khiếm thị sẽ va ngay vào xe.

Khó tiếp cận lối đi trên vỉa hè

Tại Hà Nội, những dự án xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chỉnh trang hè phố, kè vỉa hè, cải tạo công viên, vườn hoa, các không gian công cộng đã và đang được thực hiện. Một số tuyến đường của Thủ đô đã có thêm lối đi cho người khuyết tật như: Phố Lê Đại Hành, Bà Triệu, Phố Huế, Yết Kiêu…

Mặc dù đã có các văn bản pháp luật như Luật Người khuyết tật 2010, Thông tư 21/2014/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 29/12/2014 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng nhưng vẫn còn nhiều dự án, công trình xây dựng không có sự chú trọng trong việc xây dựng và thiết kế lối đi cho người khuyết tật trên vỉa hè.

Trong khu vực phố cổ của Thủ đô dường như không có giải pháp dành cho người khuyết tật như biển báo, đường dốc, các đường lát nổi, vỉa hè được xây dựng cao. Một số tuyến đường có đường để người khuyết tật đi từ lòng đường lên vỉa hè nhưng số lượng rất ít. Mặt khác, nhiều đoạn vỉa hè đang có thiết kế không đúng theo quy chuẩn xây dựng, gây nguy hiểm cho người đi bộ mà đặc biệt nhất là người khuyết tật.

Ở nước ta, nền kinh tế vỉa hè phát triển mạnh. Lối đi trên vỉa hè đã và đang bị các hàng ăn, cửa hàng lấn chiếm để bày hàng hóa, kinh doanh buôn bán, các đơn vị sử dụng làm bãi để xe máy, xe ô tô. Thậm chí xe và hàng hóa còn để chèn lên lối đi cho người khuyết tật.

Tiêu biểu như trên phố Bà Triệu, khi đang di chuyển trên vỉa hè, phóng viên bắt gặp nhiều đoạn đường bị nứt vỡ sâu, hư hỏng, xuống cấp. Các đoạn rễ cây lớn, xe máy, tủ điện để chèn lên đường đi, có đoạn không có điểm nối để đi tiếp. Nếu đi trên đoạn đường này, người khuyết tật sẽ chỉ có thể đâm thẳng vào vật.

Chị Nguyễn Thị Hoa là một người khuyết tật, phải sử dụng xe lăn để di chuyển mỗi ngày. Chị Hoa cho biết, khi di chuyển trên vỉa hè, chị đi lại rất khó khăn. Tới những đoạn có cây hay vỉa hè nhỏ, chị đều phải nhờ người dân xung quanh đẩy xe xuống dưới lòng đường vì không có lối đi tiếp.

tang cuong giai phap bao dam loi di tren via he danh cho nguoi khuyet tat
Một số đoạn không có sự liền mạch, nứt vỡ mà người khuyết tật khó nhận biết.

Tăng cường các giải pháp

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng người khuyết tật không có lối đi riêng thông thoáng trên vỉa hè xuất phát từ sự thiếu quan tâm, không chú trọng thiết kế, xây dựng công trình, dự án trên vỉa hè của các chủ đầu tư, đơn vị thiết kế. Các dự án, công trình thi công chưa đúng kỹ thuật.

Người khuyết tật là nhóm người luôn cần được xã hội quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để họ hòa nhập thuận lợi. Một trong những điều nhỏ nhất mà mọi người trong xã hội có thể giúp người khuyết tật chính là tạo ra một lối đi riêng trên vỉa hè để họ có thể di chuyển tiện lợi mỗi ngày.

Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, phần đường đi bộ cần được đảm bảo thông suốt, không có chướng ngại vật, không có các hoạt động lấn chiếm. Trên đường đi cần bố trí vệt dẫn hướng dành cho người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị, phải có độ dốc ở các ngã tư sao cho việc đi lại trở nên dễ dàng hơn, kể cả trên các ngã ba, ngã tư.

Đồng thời, TS.KTS Thuận cũng đề xuất nâng cao hạ tầng kỹ thuật đô thị, bố trí thống nhất trong toàn tuyến lối đi dành cho người khuyết tật. Tiến hành cải tạo, bổ sung, lát gạch hướng dẫn cắt với vật cản như cột đèn, cây xanh, nắp hố ga… để người khuyết tật nhận biết được mà tránh.

Mặt khác, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án khi thực hiện sửa sang, cải tạo, xây mới vỉa hè cần có sự quan tâm trong việc tạo lối đi cho người khuyết tật, tiến hành hoạt động chỉnh chu, không cẩu thả hoặc bỏ qua những tiện ích dành cho người khuyết tật. Các thiết kế xây dựng công trình, dự án phải theo đúng quy chuẩn xây dựng.

Đồng thời, công tác quản lý, giám sát, kiểm tra cần được thực hiện chặt chẽ, kiên quyết hơn nữa để đảm bảo công trình công cộng, dự án trên vỉa hè được thực hiện đúng, người khuyết tật có cơ hội được sử dụng một cách trọn vẹn.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load