Tại lễ hội du lịch năm nay, có lẽ với các đạo diễn truyền hình, phóng viên ảnh là một kỷ niệm khó quên. Số lượng camera, máy ảnh nhiều lắm, chí ít gấp vài lần so với lễ hội năm trước. Họ nhọc nhằn khai thác kiếm tìm những hình ảnh đắt hơn để đưa lên sóng hoặc để in trên báo. Mấy cô gái đoạt giải Hoa hậu Hoàn vũ cô nào cũng cười và cười liên tục gần nửa tiếng diễu hành chắc cũng mệt. Các cô gái Hoa hậu trắng như cá ngần trước gió biển Hạ Long mặn mòi, họ như được nhuộm màu đen của biển, mấy ai thấy không mủi lòng. Mọi người tập trung cổ vũ để đáp lại sự thịnh tình của những người đẹp.
Cảnh hoàng hôn ở biển Hạ Long. Nước biển dâng đầy tràn lên cả bờ kè. Mặt vịnh Hạ Long tụ đủ mọi sắc màu. Bạn sẽ thấy biển như một bức tranh kỳ ảo mà bất kỳ một họa sỹ tài năng nào cũng đều bất lực. Mọi người như còn đang đắm trước những cơn gió nồm nam, thì trên sân khấu ở ngay bờ biển, những cô gái chàng trai ngoại quốc hát xướng ầm ĩ. Sân khấu buổi chiều nhìn thấy vô cảm, nhưng đêm đến nó duyên dáng lạ lùng, đèn xanh đỏ tím vàng khuấy đảo cả khoảng trời khu bến phà cũ. Thuỷ triều vẫn đang lên, gió biển mạnh hơn, mọi người xem biểu diễn thấy gai gai lạnh. Pháo hoa đã bắn phía chân cầu gần đấy. Cầu Bãi Cháy đèn bật hết, pháo hoa đủ màu trùm lên cầu như cảnh cô dâu cài hoa, diêm dúa và sặc sỡ. Chỉ có điều pháo bắn rất ít, nên hoa nở không được nhiều. Lỗi cũng tại ai đó đã xem pháo hoa ở Đà Nẵng hoành tráng.
Sau ngày khai mạc là giải đua thuyền chải Quảng Ninh mở rộng năm 2009 do Sở VHTT&DL đăng cai. Giải năm nay có 10 đội tham gia, 2 đội của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Huyện Yên Hưng của Quảng Ninh có 2 đội tham gia. Đội bơi nữ hơn 10 người, còn lại là cán bộ lãnh đạo xã từ bí thư, chủ tịch, công an, xã đội… có mặt tất cả ba chục người đến Bãi Cháy để động viên cổ vũ mấy ngày trời. Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chủ tịch UBND xã Liên Hòa lúc nào cũng tất tưởi: “Chúng tôi đến động viên đội tuyển nữ của huyện Yên Hưng, nòng cốt là người xã Liên Hòa chúng tôi từ buổi chiều hôm trước”. Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Yên Hưng, kiêm huấn luyện đội tuyển nữ đã tỏ ý lạc quan trước khi thi đấu: “Bét nhất là giải nhì, giải ba không tính, sẵn sàng chấp nhận phạt”. Khi khẩu lệnh cuộc thi bắt đầu, đội nữ Yên Hưng vượt lên rất nhanh và kết thúc giải cự ly 1km nhanh nhất, cách đội nhì gần chục tầm thuyền. Không kém đội nữ, đội nam Yên Hưng với cự ly 2km cũng về nhất với thành tích xuất sắc. Hai vòng đua hai cự ly nữ 2km và nam 3km, hai đội của Yên Hưng cũng đều về nhất. Đội nữ xem như xuất sắc hơn, luôn vượt đội thứ nhì hơn chục tầm thuyền. Thế là cả bốn cự ly hai đội nam và nữ Yên Hưng đều đoạt cúp. Mọi người sung sướng hoan hỉ đến tận đêm mới về quê. Ông Bí thư xã kể lại cảnh thi năm ngoái ở sông Bạch Đằng: “Có 5 đội thi, một đội đắm thuyền, đội xã Liên Hòa nhà mình đứng thứ tư. Năm nay thi quốc tế mình lại vô địch, đoạt cúp, không tưởng tượng nổi”.
Tạm chia tay với lễ hội, chúng tôi vào vịnh không theo những tour du lịch đã định sẵn. Người hướng dẫn viên của đoàn là nhà giáo Nguyễn Thế Nha. Anh là người học lớp chuyên toán đầu tiên của Quảng Ninh. Học trường ĐH Công nghiệp Thái Nguyên anh vào bộ đội. Xuất ngũ về học trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Học toán, dạy toán, nhưng cuộc đời anh gắn bó với văn và gắn bó với mười một mảnh đạn đang ở trong người. Anh am hiểu Vịnh Hạ Long hơn rất nhiều người đã có tiếng thành danh. Anh đưa chúng tôi đến một làng ở giữa vịnh, giữa biển. Đó là làng Hạ. Diện tích làng Hạ rộng chừng ba cây số vuông có một con đường bê tông uốn quanh một dãy núi chạy thẳng vào làng dài chừng ba cây số, mặt đường rộng chừng năm mét, phong cảnh nên thơ. Qua một hang đá dài gần trăm mét là làng. Con gái làng rất xinh, chỉ mỗi ít. Ông Văn Hường là người làng Quỳnh, nổi tiếng một thời. Ông có đôi tai thì không mấy ai sánh bằng, còn mắt thì đâu sáng, vậy mà ông tìm đến làng Hạ, bắt ngay một cô gái kém mình hai chục tuổi. Và cái vía của cô gái làng Hạ đã đưa ông về với sự ẩn dật giữa vịnh Hạ Long cách đây mười bảy năm. Họ sinh được một tiểu thư nước da trắng như trứng gà bóc, học rất giỏi, đoạt giải nhì TP Hải Phòng năm ngoái. Ông Văn Hường tìm kiếm mọi thứ hải sản kỳ dị để đãi khách. Đêm ngủ trên bè cá, không một hạt sóng, không một tiếng động, chỉ trừ thỉnh thoảng cá vẫy, không khí trong lành giữa biển, ăn đặc sản lạ, phụ nữ còn thích huống hồ cánh đàn ông vốn ưa rượu ong rừng… Cái cảm giác về biển dâng tràn.
Chia tay với làng Hạ, chúng tôi đến Thị trấn Cát Bà. Người ở đâu đổ về đầy kín mặt đường, công viên, bãi tắm…Giá cả Cát Bà cũng giống như ở Bãi Cháy, tăng lên theo lần. Một phòng nghỉ cỡ 250 ngàn đồng đã tăng lên gấp bốn lần. Nhiều du khách chấp nhận ngủ ở hiên nhà với giá 500 ngàn đồng. Chiều, chúng tôi đến Gia Luận đi phà của Đào Hồng Tuyển về Tuần Châu (Hạ Long). Nắng đổ xuống mặt bến bê tông, xóa đi những cảm giác êm dịu của rừng Quốc gia, của bãi tắm Cát Tiên, Cát Cò… Vẫn là con phà P16 của Cty Cầu phà Quảng Ninh. Người xe chờ phà ở bến Gia Luận chật cứng, khi phà đến, mọi người nhao ra, nhân viên nhà phà vất vả ngăn lại để cho ôtô xuống trước. Xếp xong ôtô người đi bộ mới được xuống phà. Mọi người thở phào vì tránh được cái bến bê tông không một bóng cây xanh. Tôi điện cho Đào Hồng Tuyển, chúc mừng vì sự nhạy cảm trong kinh doanh. Đào Hồng Tuyển kêu khổ, kêu vất vả đông qúa và nhắc tôi phải về sớm không kẹt ở Cát Bà là gay đấy.
Con phà P16 trước đây hoạt động ở bến Bãi Cháy, đó là con phà có tốc độ nhanh nhất của Cty Cầu phà Quảng Ninh. Nhích hơn 60 phút phà đã cập bến Tuần Châu. Từ bến Tuần Châu chúng tôi lên một xe buýt về Bãi Cháy nhưng tắc đường ở ngay bãi đỗ xe đã mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Những ấn tượng về Tuần Châu, nào nhạc nước, nào cá heo, nào bơi thuyền tan biến vì sự mệt mỏi. Đành phải ngồi uống nước bên hè đường và trực tiếp can thiệp với những xe cố ý chen ngang… bởi chẳng thấy bóng dáng những người làm công tác trật tự ở đâu. Thấm mệt. Cuối cùng thì cũng thấy những bộ quần áo đồng phục của lực lượng bảo vệ Cty Âu Lạc, họ đến để giải toả ách tắc!
Vật vờ ở đoạn tắc đường Tuần Châu 3 tiếng đồng hồ, đến Bãi Cháy vừa tối. Khoảng 20 giờ tối, Lễ hội ngộ Di sản thiên nhiên thế giới được tổ chức long trọng cũng tại sân khấu của lễ hội khai mạc du lịch Hạ Long thay cho lễ bế mạc. VTV1, VTV4, QTV đều lên sóng trực tiếp. Sau lời khai mạc của ông Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, VTV1 phỏng vấn bà Nhữ Thị Hồng Liên - Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã. Tôi hỏi mấy người xung quanh có nhận xét gì về cách làm, về nội dung, về cảm xúc… ở lễ hội này? Và được trả lời: “Tôi sống ở đất Quảng Ninh lâu rồi, xin hỏi những người từ xa tới dự lễ”. Tôi cụt hứng vì phần nào hiểu được chiều sâu của lời nói vị khán giả kia.
Nói về Vịnh Hạ Long, tôi nghĩ rằng không có phương tiện truyền thông nào chuyển tải đầy đủ và chuẩn xác hơn các giác quan của con người. Đến với thiên nhiên bạn sẽ thấy cuộc sống thú vị khôn cùng. Hãy dành thời gian để tự mình khám phá. Điểm đến Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long hay xa hơn là Vườn Quốc gia Cát Bà, cứ cái cách khám phá hết làng Hạ, đến làng Vạn Gia, đến làng Gia Luận, đến căn cứ Cách mạng chống Pháp, đến hang chứa tàu không số của Hải quân rộng hơn cả hang động Thiên Cung, đến cánh đồng san hô ở ngoài đảo Phượng Hoàng…Thì bạn đi cả năm không hết. Nếu bạn đi du lịch bằng vị giác thì lặn xuống đáy biển, bơi dưới rừng san hô rực rỡ sắc màu bắt cá tôm, gom nhặt những con sò, con trai, con hàu… to gấp năm gấp mười ở chợ Bãi Cháy, rồi đốt lửa và nhấm nháp, vị thơm ngọt… thấm vào chân răng thì thấy luôn cả trời, cả đất.
Vịnh Hạ Long đã có hơn hai triệu năm, chân các dãy núi đã mòn khuyết vào vì sự đợi chờ. Người ta bảo một ngày nào đó, Vịnh không bị phụ lòng, chắc nước chảy đá không mòn. Lúc đó mỗi người có một con rồng nhỏ ngụ trong lòng. Rồng hạ xuống thì mình còn được, rồng bay lên thì bao giờ gặp được rồng?
Hạ Long, một ngày đầy nắng và gió
Ghi chép của Trần Phương
Theo baoxaydung.com.vn