Thứ ba 15/10/2024 03:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Tạm hoãn xuất cảnh lãnh đạo công ty lừa bán đất trong quy hoạch tại TP.HCM!

16:42 | 19/07/2019

Chi Cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty Anh Luân vì liên quan đến việc “cù nhây” không trả hơn 5 tỷ đồng cho Công ty Đỉnh Vàng và phớt lờ hàng loạt quyết định của cơ quan Thi hành án.

Bị tạm hoãn xuất cảnh vì “cù nhây” trả tiền


Quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng – Thương mại Anh Luân

Theo quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Củ Chi ban hành ngày 13/5/2019 đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng – Thương mại Anh Luân (viết tắt Cty Anh Luân) là bà Trần Thị Ngọc Xuyến (SN 1974, ngụ huyện Củ Chi) sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày 15/5/2019 đến khi thi hành án xong hoặc có bảo lãnh bằng tiền, tài sản, biện pháp khác để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định của pháp luật.

Công ty TNHH Đỉnh Vàng (gọi là Công ty Đỉnh Vàng) cho biết, vụ việc lùm xùm từ năm 2008, khi đơn vị này có nhu cầu mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất keo dán tổng hợp tại huyện Củ Chi. Phía Công ty Đỉnh Vàng đã được ông Nguyễn Văn Tuyển và ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc Công ty Anh Luân (địa chỉ lúc này ở số 171 Hương Lộ 2, ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) giới thiệu có khu đất thuộc sở hữu Công ty Anh Luân cần chuyển nhượng có hơn 3ha với giá khoảng 15,5 tỷ đồng. Theo giới thiệu của Công ty Anh Luân, khu đất này đã được nhà nước cho chuyển đổi thành đất công nghiệp để xây dựng nhà máy sản xuất, không nằm trong quy hoạch.

Ngày 6/5/2008, Công ty Đỉnh Vàng và Công ty Anh Luân đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đồng thời Công ty Đỉnh Vàng thanh toán trước số tiền gần 4,7 tỷ đồng (tương đương 30% tổng giá trị hợp đồng). Ông Tuyển và ông Quế cam kết lo hồ sơ để Công ty Đỉnh Vàng được chấp thuận xây dựng tại địa điểm trên. Trường hợp vì bất cứ lý do gì Nhà nước không cho chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà máy sản xuất thì chậm nhất là 15 ngày Công ty Anh Luân sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận và bồi thường thêm 10% trên số tiền chậm trả cho mỗi ngày trễ.


Ngày 6/5/2008, Công ty Đỉnh Vàng và Công ty Anh Luân đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đồng thời Công ty Đỉnh Vàng thanh toán trước số tiền gần 4,7 tỷ đồng.

Ngày 25/7/2008, Công ty Đỉnh Vàng nhận được công văn của Chủ tịch UBND huyện Củ Chi khẳng định khu đất trên nằm trong phạm vi quy hoạch nút giao thông và tuyến đường cao tốc Mộc Bài (Tây Ninh) - TP.HCM. Lúc đó, Công ty Đỉnh Vàng mới tìm hiểu và được biết toàn bộ khu đất trên đều thuộc quyền sở hữu của người dân địa phương chứ không phải sở hữu của Công ty Anh Luân.

Sau đó Công ty Đỉnh Vàng đã gửi nhiều công văn đề nghị Công ty Anh Luân trả lại số tiền đã nhận nhưng phía Công ty Anh Luân chỉ hứa hẹn, cố tình kéo dài thời gian trả tiền. Theo yêu cầu của Công ty Anh Luân, ngày 16/10/2008 , Công ty Đỉnh Vàng gửi UBND huyện Củ Chi tờ trình số 70/2008-TT.ĐV. Đến ngày 17/11/2008, Công ty Đỉnh Vàng tiếp tục nhận được công văn số 3220/UBND-CT của Chủ tịch UBND huyện Củ Chi trả lời “Không chấp thuận việc đầu tư xây dựng xưởng của Công ty tại vị trí khu đất trên”.

Nhiều lần đòi nợ, ngày 9 và 14/4/2010 ông Tuyển mới chỉ đạo vợ là bà Trần Thị Ngọc Xuyến làm Giám đốc Công ty Anh Luân cam kết trả trước 500 triệu đồng. Sau đó ông Tuyển lại hứa hẹn đến ngày 25/6/2010 sẽ thanh toán gần 834 triệu đồng nhưng đến ngày hẹn lại không thanh toán và “cù nhây” đến hết năm 2011.

Doanh nhân thành đạt “cù nhây” tiền của đối tác?


Ngày 2/5/2012, TAND huyện Củ Chi ban hành Quyết định số 07/2012/QĐST-KDTM với nội dung, Công ty Anh Luân có trách nhiệm trả Công ty Đỉnh Vàng số tiền gần 5,3 tỷ đồng.

Trong nỗ lực đòi lại quyền lợi kinh tế đang bị xâm hại, tháng 3/2012, Công ty Đỉnh Vàng làm đơn khởi kiện tại TAND huyện Củ Chi về số tiền mà Công ty Anh Luân còn nợ bao gồm: Hoàn trả lại tiền cọc 4,667 tỷ đồng; Bồi thường thiệt hại cho Đỉnh Vàng tính bằng lãi chậm trả theo lãi suất ngân hàng từ ngày 5/9/2008, tính đến ngày khởi kiện là gần 1,6 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền mà Công ty Anh Luân phải trả cho Công ty Đỉnh Vàng gần 5,3 tỷ đồng.

Ngày 2/5/2012, TAND huyện Củ Chi ban hành Quyết định số 07/2012/QĐST-KDTM với nội dung, Công ty Anh Luân có trách nhiệm trả Công ty Đỉnh Vàng số tiền gần 5,3 tỷ đồng và chia làm 3 đợt. Sau khi có Quyết định trên, phía Công ty Đỉnh Vàng đã làm các thủ tục THA tại Chi cục THADS huyện Củ Chi và đơn vị này đã có quyết định THA kí ngày 30/11/2012. Tưởng chừng vụ việc khép lại khi có Quyết định THA, nhưng phía Công ty Anh Luân vẫn ngang nhiên không trả số tiền gần 5,3 tỷ đồng cho Công ty Đỉnh Vàng.

Sau đó, Cty Đỉnh Vàng nhiều lần có văn bản yêu cầu THA đối với Cty Anh Luân nhưng đều bất thành vì Trong quá trình tổ chức THA và xác minh điều kiện THA, Chi cục THADS huyện Củ Chi xác định Cty Anh Luân chưa có điều kiện THA.

Dù Công ty Anh Luân bán đất trong quy hoạch, vi phạm hợp đồng khi cố ý chiếm dụng vốn của Công ty Đỉnh Vàng và đã có Quyết định THA nhưng không hiểu vì sao công lý vẫn không được thực thi khiến dư luận bức xúc.

Đại diện Cty Đỉnh Vàng khẳng định, dù “cù nhây” không trả nợ cho đối tác và tìm mọi cách “né” việc THA với lý do chưa có điều kiện THA nhưng thực tế, Cty Anh Luân luôn quảng cáo với những dự án tầm cơ, trả lương “khủng” cho nhân viên. Thậm chí, ông Tuyển còn tạo cho mình hình ảnh của doanh nhân thành đạt, từng là 1 trong số 120 doanh nhân tiêu biểu cả nước, luôn hướng về các hoạt động xã hội tại địa phương nhưng lại lừa bán đất trong quy hoạch rồi “cù nhây” với đối tác với mình.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Theo Xuân Hinh - Thế Phong/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load