(Xây dựng) – Theo Bộ Xây dựng, không chỉ Nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân được quyền tham gia đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, pháp luật đã quy định cụ thể và thực tế nhiều nhà ở xã hội đã được xây dựng bởi doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, việc Nhà nước khống chế lợi nhuận đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội ở mức 10% là tạo cơ hội để người dân không phải mua nhà ở xã hội giá quá cao và chủ đầu tư chấp nhận được mức lợi nhuận này ở điều kiện hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. |
Chiều 30/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin một số nội dung liên quan đến việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được phóng viên quan tâm.
Theo đó, hiện nay Nhà nước đã quy định nhiều hình thức đầu tư nhà ở xã hội trong đó có cả Nhà nước và tư nhân tham gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa được mặn mà vì khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, quy đất…
Thứ nhất, về vấn đề dành quỹ đất thì trước đây chỉ có quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội. Theo chương trình Luật sửa đổi Luật Nhà ở 2014 sửa đổi theo hướng tới đây UBND cấp tỉnh sẽ chủ động dành đủ quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án độc lập hoặc tại các dự án nhà ở thương mại nếu như phù hợp với quy hoạch. Như vậy, nguồn quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tới đây sẽ đa dạng hơn, đầy đủ hơn và dễ tiếp cận hơn.
Thứ 2, vấn đề ưu đãi đối với chủ đầu tư, đây là vấn đề được rất quan tâm thời gian qua. Thực tế cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi đó là miễn tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập lợi nhuận 10% và thực tế có nhiều nhà đầu tư tham gia. Để tiếp tục thu hút và tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội, thông qua việc sửa Luật Nhà ở 2014, Chính phủ đã trình Quốc hội theo hướng tích cực hơn, đó là tiếp tục hỗ trợ miễn tiền sử dụng đất, tiếp tục hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, được hưởng lợi nhuận 10%; chủ đầu tư được dành 20% diện tích đất để làm nhà ở thương mại; được các địa phương hỗ trợ đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở xã hội… đây là những chính sách ưu đãi mới trong Luật sửa đổi Luật nhà ở xã hội 2014 tới đây.
Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023. |
Thứ 3, về nội dung tại sao quy định lợi nhuận đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội 10% mà không phải là 15 hay 20% hoặc cao hơn, lợi nhuận 10% có làm giảm sự hấp dẫn của các chủ đầu tư không? Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: “Bộ Xây dựng đã có tổng kết đánh giá, nếu nâng lợi nhuận lên 15% thì sẽ nâng giá bán lên và ảnh hưởng đến người thu nhập thấp; Chúng tôi cũng đã có trao đổi với các doanh nghiệp, hầu hết họ đều có ý kiến với điều kiện và chính sách như hiện nay thì lợi nhuận đạt 10% đã là họ đồng tình rồi. Điều quan trọng các doanh nghiệp đang quan tâm là cải cách thủ tục hành chính và sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương làm sao để thủ tục nhanh hơn thì sẽ thu hút đầu tư vào dự án nhà ở xã hội tốt hơn”.
Thứ 4, vấn đề tiếp cận vốn và ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp thì chúng ta thấy rằng, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc rất quyết liệt và đã có giải pháp khoanh nợ, giảm lãi suất rồi, riêng gói nhà ở xã hội có gói vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn.
Qua đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và tới đây nguồn cung về nhà ở xã hội sẽ tốt hơn nữa. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 . Tới đây, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 10 sẽ thông qua Luật sửa đổi Luật Nhà ở 2014 thì nhóm chính sách nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực ngay. Đây là những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thời gian tới.
Đỗ Quang
Theo