Thứ hai 13/01/2025 22:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Tại sao đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM liên tục đội vốn, lùi tiến độ?

10:31 | 13/10/2022

Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục bị điều chỉnh tiến độ hoàn thành, đi kèm với đó là đội vốn đầu tư so với phê duyệt ban đầu.

tai sao duong sat do thi ha noi tphcm lien tuc doi von lui tien do
Dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội sẽ đưa vào vận hành đoạn trên cao từ cuối năm 2022, khai thác, vận hành toàn tuyến từ năm 2027. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải gửi Chính phủ dự thảo báo cáo Quốc hội về tiến độ triển khai 6 dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó thừa nhận, tất cả các dự án này đều chậm tiến độ, đội vốn và gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Đội vốn, liên tục xin lùi tiến độ về đích

Mặc dù cũng đội vốn và chậm tiến độ hoàn thành, đến nay, chỉ có duy nhất tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành và đưa vào vận hành và đã được người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại, góp phần giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển vận tải công cộng tại thành phố Hà Nội.

Được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu 8.769,9 tỷ đồng và tiến độ hoàn thành đặt ra vào năm 2013. Tuy nhiên, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã phải điều chỉnh tiến độ dự án hoàn thành vào tháng 3/2021 và mức đầu tư đội lên gần gấp đôi so với phê duyệt ban đầu (18.001,5 tỷ đồng).

Dự án được bàn giao cho Hà Nội đưa vào vận hành khai thác tháng 11/2021. Theo báo cáo của đơn vị vận hành khai thác cho thấy hiệu quả khai thác vận tải hành khách khu vực được nâng cao. Sau 10 tháng vận hành khai thác 6 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 10 phút, vận chuyển được 5,45 triệu hành khách, bình quân 18.300 hành khách/ngày, tỷ lệ sử dụng vé tháng bình quân trong ngày chiếm 55-60%, giờ cao điểm 75-80%.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả vận hành khai thác tuyến đường sắt, đơn vị khai thác đã triển khai điều chỉnh biểu đồ chạy tàu từ ngày 1/9/2022 để vận hành khai thác 9 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 6 phút.

Với 5 dự án đường sắt đô thị còn lại, mốc tiến độ cũng được điều chỉnh và người dân cũng tiếp tục phải chờ đợi, hy vọng và... thất vọng bởi không biết dự án có hoàn thành hay lại chậm.

Đơn cử, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Yên Viên-Ngọc Hồi được phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2007-2017 sau đó điều chỉnh thực hiện từ năm 2017-2024 với tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng. Hiện, dự án mới hoàn thành giải phóng mặt bằng 130ha khu Tổ hợp Ngọc Hồi và xây dựng khu tái định cư.

Dự án đường sắt Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo phê duyệt dự án đầu tư năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2009-2015. Tuy nhiên, do các thủ tục, thời gian điều chỉnh dự án, bị kéo dài nên dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2027 và vốn đầu tư cũng lên tới 35.678 tỷ đồng (tăng thêm 16.123 tỷ đồng).

Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2006 với tổng vốn đầu tư 783 triệu Euro, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Năm 2013, Hà Nội phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư là 1.176 triệu Euro. Sau đó, dự án thi công ì ạch, liên tục phải lùi ngày hoàn thành đến năm 2018 và tiếp tục điều chỉnh đến năm 2022. Hiện nay, tiến độ tổng thể của dự án đạt 75,2% (trong đó tiến độ đoạn trên cao đạt 96,8%; tiến độ đoạn ngầm đạt 33%).

Giữa tháng 9/2022, thành phố Hà Nội đã có thống nhất đề xuất Chính phủ điều chỉnh thời gian hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó đưa vào vận hành đoạn trên cao từ cuối năm 2022; khai thác, vận hành toàn tuyến từ năm 2027.

Tại phía Nam, dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến Bến Thành-Suối Tiên thực hiện dự án từ 2007, vốn đầu tư 17.387 tỷ đồng và năm 2019 phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư là 43.757 tỷ đồng. Dự án điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2007-2021; tiến độ dự án đến nay đạt 92,19%, dự kiến cuối năm sẽ nhích lên được 93% nhưng hiện nay công tác giải phóng mặt bằng chưa xong. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh xin lùi thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý 4/2023, chậm tiến độ 2 năm so với kế hoạch đề ra.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành-Tham Lương được phê duyệt là 1.374 triệu USD (tương đương 26.116 tỷ đồng) với mốc thời gian ban đầu từ năm 2010 đến 2018, sau đó điều chỉnh tổng mức đầu tư là 2.093,59 triệu USD (tương đương 47.890,8 tỷ đồng) và thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2026 và giờ đây tiếp tục xin điều chỉnh lùi về năm 2030. Như vậy, kể từ khi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt dự án cho đến khi hoàn thành mất 20 năm.

Thiếu và yếu về công nghệ, năng lực quản lý

Phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận các dự án nói trên có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, quá trình triển khai đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật khó khăn.

Mặt khác, dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam; các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm thực tiễn; các gói thầu ngoài việc thực hiện tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định phía nhà tài trợ, trong khi các yêu cầu ràng buộc theo Hiệp định vay đan xen khác nhau theo các nhà tài trợ nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc…

Ngoài ra, công tác nghiệm thu, thử nghiệm theo các tiêu chuẩn nước ngoài trong khi chưa có các tiêu chuẩn tương đương ở Việt Nam mất nhiều thời gian; công tác chuẩn bị cho việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống cho việc vận hành gặp nhiều thay đổi về quy định pháp lý và các hướng dẫn từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, dự án liên quan nhiều lĩnh vực, triển khai đầu tiên tại Việt Nam thực hiện theo các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam nên cần phải rà soát thận trọng các bước thực hiện, quản lý dự án nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trong nước và tuân thủ quy định của điều ước quốc tế và quy định các thỏa thuận vay vốn.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương, các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để đưa các dự án vào vận hành, khai thác theo tiến độ đề ra./.

Theo Việt Hùng (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load