Thứ sáu 26/04/2024 11:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tại sao chưa thể lồng ghép các thủ tục hành chính trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng?

15:33 | 05/12/2019

(Xây dựng) - Một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng là các thủ tục hành chính còn rườm rà. Nhiều trường hợp, do yêu cầu của các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, chủ đầu tư phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần, phải liên hệ giao dịch với nhiều cơ quan khác nhau, nên mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí của chủ đầu tư.

tai sao chua the long ghep cac thu tuc hanh chinh trong qua trinh chuan bi dau tu du an dau tu xay dung
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.

Bàn về những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nhiều doanh nghiệp đều tỏ ra “ngán ngẩm” với các thủ tục hành chính lòng vòng, qua hết sở, ngành này đến sở, ngành khác vẫn chưa xong, gây khó khăn trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Công ty cổ phần GP Invest cho biết, doanh nghiệp “sợ” nhất là làm các thủ tục hành chính liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án với cấp quận, huyện. Chẳng hạn thủ tục xin chấp thuận đầu tư dự án phải qua hết từ các sở liên quan cho đến quận, huyện sở tại, lòng vòng có khi đến 6 tháng chưa xong. Nhiều dự án có thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng lên tới vài năm, dự án nào nhanh thì cũng phải mất ít nhất 1 năm.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, liên quan đến các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, khu đô thị, hiện có nhiều thủ tục chồng chéo, không cần thiết, vừa gây lãng phí vừa mất nhiều thời gian. Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư xây dựng bị đội lên, khiến doanh nghiệp phải tăng giá bán nhà để đảm bảo lợi nhuận.

Những thủ tục gây lãng phí thời gian, làm đội giá lên. 1 dự án làm trong 1 năm thì giá vốn rẻ, nhưng làm dự án 2 năm hoặc tới 3 năm thì giá vốn sẽ đội lên gấp đôi, thậm chí gấp 3. Cái đã đầu tư rồi lại phải chờ đợi. Rõ ràng sẽ vào giá thành, như vậy thì sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng kém đi. Nếu chúng ta không kiên quyết bỏ những thủ tục rườm rà, trùng lặp trong quá trình làm dự án thì tác hại rất lớn, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam kém đi, giá thành đội lên thì người dân lại phải gánh chịu.

Lý giải nguyên nhân chưa thể lồng ghép các thủ tục hành chính trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng, ông Nguyễn Hoàng Anh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ và xây dựng ALG chia sẻ: Các thủ tục hành chính chưa được lồng ghép trong quá trình chuẩn bị dự án có thể do các ràng buộc của các chế tài luật pháp. Vì vậy, chúng ta cần đưa ra các thủ tục hành chính có tính mở để hỗ trợ các nhà đầu tư ngay từ bước chuẩn bị dự án có thể tiếp cận với các thông tin, thỏa thuận ghi nhớ bước đầu, làm cơ sở để Nhà đầu tư, Tư vấn đưa ra được các giải pháp thiết kế, công nghệ phù hợp mục tiêu đầu tư đồng thời đáp ứng được các quy định của pháp luật, như vậy sẽ đem lại hiệu quả của việc chuẩn bị dự án. Các thủ tục, quy trình cần được đưa ra một các mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu và tránh mâu thuẫn, chồng chéo để các Nhà đầu tư, Tư vấn và ngay cả các cán bộ thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng tiếp cận, hiểu và thực hiện đúng sẽ góp phần đẩy nhanh thời gian nghiên cứu, chuẩn bị dự án.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thiết kế công nghiệp hóa chất lại cho rằng: Quá trình chuẩn bị đầu tư là để phân tích có quyết định đầu tư hay không đầu tư thì phải thực hiện các bước như quy định, không nên lồng ghép các thủ tục hành chính mà thay vào đó nội dung của từng bước nên xem xét yêu cầu và mức độ cho rõ ràng. Ví dụ: Trong bước PFS: Yêu cầu “thuyết minh kỹ thuật và thiết bị phù hợp” là rất khó (với giá trị lập PFS ít tiền, thời gian ngắn, nên để làm rõ nội dung này nên ở giai đoạn sau); Yêu cầu lập sơ bộ tổng mức đầu tư (trong ngành Công nghiệp nói chung và cho ngành Công nghiệp Hoá chất, Hoá dầu nói riêng) là rất khó vì có những dự án đầu tiên đầu tư ở Việt Nam và nhất là thời kỳ công nghiệp 4.0 nên lập giá sơ bộ rất khó có căn cứ vậy sơ bộ ở mức nào? Và cho phép sai số bao nhiêu? Yêu cầu về đánh giá tác động môi trường ở mức như thế nào?…Trong bước FS: Yêu cầu lập tổng mức đầu tư việc này khi đã có Quyết định phê duyệt đầu tư thì các bước tiếp theo nếu vượt trên 10% thì phải lập lại FS để xem xét ra Quyết định đầu tư (tham khảo FS của các nước trên thế giới sai số này khoảng 30% đối với các dự án trong ngành công nghiệp nói chung và cho ngành Công nghiệp Hoá chất, Hoá dầu nói riêng. Nguyên nhân do dây chuyền Công nghệ và thiết bị không có giá chính thống, việc so sánh báo giá của các nhà cung cấp là rất mơ hồ không kiểm soát được).

“Nhằm rút ngắn quá trình đầu tư và kiểm soát chất lượng tốt nên chỉ kiểm soát chặt đầu ra, không quản lý đầu vào như hiện nay tất nhiên giải pháp quản lý đầu ra phải quy định đồng bộ cùng các ngành sản xuất khác” – Ông Hùng cho biết thêm.

Đề xuất giải pháp nhằm giúp các chủ đầu tư thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, đại diện Sở Xây dựng Hải Dương cho rằng: Cán bộ, công chức Nhà nước cầm thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cải cách thủ tục hành chính do Chính phủ, Thủ tướng, UBND các cấp ban hành; quy chế, đạo đức công vụ. Các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư cần nâng cao sự hiểu biết pháp luật liên quan đến bước chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, nắm rõ thủ tục nào phải thực hiện tuần tự, thủ tục nào có thể thực hiện song song (ví dụ: Thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy thực hiện song song với thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng) để rút ngắn thời gian; chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ, đảm bảo pháp lý theo quyết định công bố thủ tục hành chính để giảm thiếu vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Có thể thấy, sự chưa thống nhất, chồng chéo của pháp luật và các văn bản pháp lý đang là rào cản lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Do đó, cải cách thủ tục hành chính và minh bạch hóa thông tin phải là hai bước được thực hiện song hành để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như dần ổn định. Nếu cứ cắt bớt được thủ tục này lại sinh ra vài thủ tục khác, thì rõ ràng việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng sẽ khó đạt hiệu quả.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan...là những nhóm chính sách lớn trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Cụ thể, đối với nhóm chính sách: “Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng” Dự án Luật sẽ sửa đổi, bổ sung về: Nguyên tắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng; quy định về phân loại, phân cấp công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng; thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; thẩm quyền, trình tự, đối tượng cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng trong hoạt động xây dựng; quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng; an toàn công trình; xây dựng công trình theo lệnh khẩn cấp; phá dỡ công trình; bàn giao dự án; quy định về các cấp độ quy hoạch xây dựng khu chức năng.

Khánh Hòa – Thành Luân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load