Lượng tro xỉ than thải ra từ các nhà máy nhiệt điện hiện nay phải tốn cả nghìn tỷ đồng mỗi năm để xử lý. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng để tái chế lượng xỉ thải này sẽ mang lại lợi ích kép cả về kinh tế và môi trường.
Xỉ tro bay của nhà máy nhiệt điện có thể được tận dụng để sản xuất các loại gạch không nung.
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, hiện nay cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, với tổng công suất phát 14.480 MW. Trung bình mỗi năm thải khoảng 15 triệu tấn tro, xỉ. Dự kiến sau năm 2020, con số này sẽ là 43 nhà máy, với tổng công suất 39.020 MW, tương đương lượng tro xỉ thải ra khoảng 30 triệu tấn/năm.
Hiện nay, lượng tro, xỉ khổng lồ này vẫn được các nhà máy nhiệt điện xử lý theo phương án chôn lấp và phủ bạt, tưới nước, chỉ một phần rất nhỏ xỉ và tro bay được dùng để sản xuất gạch không nung, bê tông và xi măng.
Theo tính toán, 1 nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW vận hành trong 5 năm cần 30 ha để chôn lấp 5 triệu tấn tro xỉ. Như vậy, với công suất của các nhà máy nhiệt điện than hiện tại, cần đến 360 ha đất để xử lý chất thải và đến năm 2020, phải cần đến hàng ngàn héc-ta đất cho việc này.
Hiện chi phí tiền sử dụng đất và chi phí làm bãi chôn lấp bao gồm bờ bao, san ủi… khoảng 1 triệu đồng/m2, chi phí xử lý tro xỉ, vận hành bãi khoảng 120.000 đồng/tấn xỉ. Như vậy, chi phí cho việc này tốn cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Vì vậy, việc nghiên cứu để tái chế xỉ tro bay của nhà máy nhiệt điện là hết sức cần thiết, nó vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa đảm bảo vấn đề môi trường.
Ông Phan Chi, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Tự Phước (Lâm Đồng) cho biết: “Bên cạnh các ngành nghề mà Công ty đang kinh doanh, chúng tôi đang tìm hiểu công nghệ sản xuất gạch không nung từ nguồn nguyên liệu thải là xỉ tro bay của nhà máy nhiệt điện than. Bằng cảm quan tôi thấy màu gạch sản xuất từ xỉ tro bay rất đẹp. Chỉ cần tính toán suất đầu tư hợp lý thì thị trường, người tiêu dùng sẽ chấp nhận”.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, hiện nay, xử lý xỉ than làm gạch không nung chỉ có công nghệ máy ép thủy lực giải quyết được vấn đề tro bay, còn máy ép rung (nhập của Trung Quốc) chỉ sử dụng nguyên liệu chính là đá, cát và một phần tro bay (khoảng 10%) do loại máy này không nén được cường độ cao. Một loại máy sản xuất gạch xi măng cốt liệu của công ty trong nước có tỷ lệ cấp phối xi măng 7% và tro xỉ than đến 80%. Hiện loại máy sản xuất trong nước đang được Tập đoàn Xuân Thành và Tập đoàn Thành Thắng đầu tư thiết bị và công nghệ để sản xuất gạch xi măng cốt liệu với công suất dự kiến vài trăm triệu viên/năm.
Tuy nhiên, dù có tập trung cho gạch xi măng cốt liệu, thì lượng tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than vẫn dư thừa quá lớn. Ông Trần Trung Nghĩa, Giám đốc CTCP Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới cho biết: “Qua nghiên cứu tro bay có tính chất bền sunfat, nên phù hợp với sử dụng trong môi trường biển. Tại sao không dùng vật liệu này để lấn biển, chắn sóng thay thế đá hộc làm đê bao sông, đê biển… Sau nhiều lần thử nghiệm, chúng tôi đã tìm ra phương án cấp phối mới cho loại vật liệu này cũng chính từ máy ép gạch không nung áp lực cao sản xuất ra những khối bê tông”.
Dù việc tái chế xỉ tro bay của nhà máy nhiệt điện được một số chuyên gia chỉ ra có nhiều lợi ích, nhưng việc triển khai vẫn gặp khó khăn cả về đầu vào và đầu ra. Do đó, một số doanh nghiệp sản xuất sản xuất sản phẩm này kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ “đầu ra” cho sản phẩm, như khuyến khích các công trình sử dụng, hỗ trợ lãi suất…. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện cũng nên có sự hợp tác như giao lại một phần diện tích đất chôn lấp cho doanh nghiệp xử lý tro xỉ để xây dựng nhà máy.
Theo Trung Kiên/Báo Đầu tư Bất động sản
Theo