Giáo sư Nguyễn Đức Vy - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ cho biết hàng ngày ông gặp khá nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám là nạn nhân của các biện pháp tránh thai trôi nổi.
Ảnh minh họa
Chửa ngoài dạ con, rối loạn kinh nguyệt
Chị Hoàng Thu Thủy, 34 tuổi, trú tại Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng khi vừa trải qua ca cấp cứu thập tử nhất sinh. Chị Thủy kể, hai vợ chồng chị đã sinh được hai cậu con trai. Chị sử dụng biện pháp tránh thai là uống thuốc tránh thai theo tháng. Để không bị nhỡ, chị Thủy phải hẹn giờ vào đồng hồ và uống hàng ngày.
Tuy nhiên, tháng trước chị Thủy thấy bị rong kinh cả tuần và đau bụng. Cảm giác đau nhói bụng, đau âm ỉ một bên. Lúc đầu, chị Thủy tưởng đau bụng do kinh nguyệt nên chủ quan, đau quá uống thuốc giảm đau. Sau hai ngày đau bụng, đến tối thứ 3, chị Thủy đau quá ngất lịm đi. Gia đình vội đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ siêu âm phát hiện ổ bụng có máu, âm đạo chảy máu đen, không đông nên nghi ngờ chửa ngoài tử cung.
Theo dõi, bác sĩ đã quyết định làm phẫu thuật cắt bỏ tử cung vì tử cung đã bị vỡ. Sau 1 tuần nằm viện, chị Thủy vẫn chưa hết bàng hoàng vì triệu chứng của mang thai ngoài tử cung không rõ ràng. Chị Thủy cho biết mình vẫn sử dụng thuốc tránh thai bình thường nên không nghĩ có thai được.
Còn trường hợp của chị Vũ Thanh Trà trú tại Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội lại khác. Chị Trà sử dụng thuốc tránh thai và mỗi lần uống thuốc chị lại bị rối loạn kinh nguyệt. Chị nghĩ có thể do ảnh hưởng của thuốc tránh thai nên chủ quan không đi khám. Đến khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị rối loạn kinh nguyệt do ảnh hưởng của nội tiết tố mà nguyên nhân của nó là do thuốc tránh thai không đảm bảo gây nên.
Chị đã phải điều trị 1 tháng nhưng từ đó đến nay kinh nguyệt vẫn thất thường. Chị Trà cho biết có đợt 3 tháng, thậm chí 6 tháng mới đến chu kỳ khiến chị như ngồi trên đống lửa. Còn biện pháp đặt vòng tránh thai, chị Trà không sử dụng được vì chị đã mổ lấy thai 3 lần.
Nguy cơ ung thư
Giáo sư Vy cho biết việc sử dụng biện pháp tránh thai không an toàn không chỉ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe khác cho chị em phụ nữ. Giáo sư Vy cho biết tác hại trực tiếp nó gây ra đó là đưa đến hội chứng nhiễm trùng đường sinh dục dưới. Thậm chí cả cơ quan sinh dục lên tới cổ tử cung…
Đặc biệt thuốc tránh thai giả cũng sẽ gây nguy hiểm, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết, và cả gây vô sinh. Đa số bị với thuốc giả, nhưng cũng có thể người ta dùng thuốc tránh thai thật không pha theo đúng nguyên tắc.
Đặc biệt, Giáo sư Vy khuyến cáo tình trạng sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, tiêm thuốc tránh thai và cấy que thuốc tránh thai. Giáo sư Vy cho biết các loại này đều phải được các chuyên gia tư vấn cụ thể. Giáo sư Vy cho rằng hiện nay việc sử dụng cấy que tránh thai thực sự đáng lo vì cấy que tránh thai gây mất kinh nguyệt, rối loạn nội tiết có thể dẫn tới vô sinh.
Đối với thuốc tránh thai khẩn cấp, loại được sử dụng rất nhiều, đặc biệt là phụ nữ chưa lập gia đình. Giáo sư Vy cho biết đặc tính của thuốc tránh thai có tác dụng rất mạnh trong việc tránh thụ thai. Dùng thuốc này không đơn thuẩn chỉ ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản, nếu uống quá nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ dẫn đến nguy cơ vô sinh. Nếu uống quá liều, thuốc tránh thai khẩn cấp làm teo niêm mạc tử cung, khi niêm mạc mỏng sẽ cản trở quá trình trứng làm tổ.
Hiện nay, giáo sư Vy cho biết chị em phụ nữ phải ‘tỉnh táo” để bảo vệ sức khỏe cho chính mình bởi rất nhiều chị em hiện nay chủ quan, lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp không chú ý các tác dụng phụ của nó. Trong 1 tháng không nên uống quá 4 viên thuốc tránh thai khẩn cấp để không xảy ra hệ quả đáng tiếc.
Theo Khánh Ngọc/Infonet
Theo