Thứ tư 11/12/2024 15:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Sửa đổi, bổ sung 125 hành vi, nâng 2 lần mức phạt và tịch thu phương tiện vi phạm

10:30 | 17/08/2021

(Xây dựng) - Đây là một trong những nội dung được Thanh tra Bộ Xây dựng đề xuất tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

sua doi bo sung 125 hanh vi nang 2 lan muc phat va tich thu phuong tien vi pham
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Chấp hành chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ triển khai xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 139 để bắt kịp thực tế, đảm bảo phủ kín các hành vi và chế tài xử lý trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng.

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (Nghị định 139). Sau gần 04 năm tổ chức triển khai thực hiện, Nghị định 139 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào việc ổn định, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước ngành Xây dựng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; công tác quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, vi phạm về trật tự xây dựng được phát hiện, xử lý tương đối tốt góp phần giảm thiểu tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch...

Trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định 139 cũng bộc lộ một số tồn tại phải nghiên cứu thay thế để đảm bảo phù hợp với pháp luật chuyên ngành mới được sửa đổi, bổ sung và một số bất cập từ thực tế như: Xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với dự án đầu tư xây dựng để tính thời hiệu xử phạt; chưa có chế tài xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn; thời gian cho phép xin cấp và điều chỉnh giấy phép chưa phù hợp với từng loại công trình; chưa điều chỉnh xử lý hành vi vi phạm sau khi đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm. Một số lĩnh vực chế tài xử lý chưa phủ kín; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…

Vi phạm trật tự xây dựng xử phạt kịch khung 1 tỷ đồng

Tháng 3/2021, Thanh tra Bộ Xây dựng được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 139 với tinh thần: “Tiếp tục kế thừa các quy định phù hợp của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, bổ sung các quy định đảm bảo phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và các nghị định hướng dẫn thi hành. Tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định để kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 139”.

Sau 04 tháng nghiên cứu và mở một cuộc tọa đàm với 19 Sở Xây dựng khu vực miền Nam để lắng nghe từ thực tế, Thanh tra Bộ Xây dựng xây dựng dự thảo Nghị định gồm 89 Điều, chia thành 7 Chương, bao gồm 70 nhóm hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, chế tài xử lý đảm bảo tính phòng ngừa, răn đe cao, có tính khả thi trên thực tiễn.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Nghị định là điều chỉnh mức phạt theo hướng tăng từ 1,5 đến 02 lần so với mức phạt đã quy định tại Nghị định 139, đặc biệt tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi liên quan vi phạm quy định về điều chỉnh quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng nhà chung cư.

Dự thảo đã điều chỉnh các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập, điều chỉnh quy hoạch, khảo sát xây dựng, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát, lựa chọn nhà thầu cho đến nghiệm thu, bàn giao công trình vào khai thác sử dụng. Chế tài xử lý mạnh kết hợp hình thức xử phạt bằng tiền, xử phạt bổ sung, áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng đối với từng hành vi vi phạm nhằm tăng cường hơn nữa, đảm bảo công tác quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng đi vào nề nếp.

Đối với hành vi điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng hoặc điều chỉnh quy hoạch không đúng căn cứ, điều kiện, nguyên tắc, trình tự điều chỉnh, đề xuất mức xử phạt tiền lên đến 250 triệu đồng (mức phạt quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP là 70 triệu đồng), đồng thời buộc tổ chức vi phạm phải lập lại quy hoạch xây dựng. Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng thi công đối với công trình xây dựng vi phạm về khởi công, công trình chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm xác nhận đã khắc phục xong vi phạm nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả, triệt để ngay từ giai đoạn đầu.

Vi phạm quy định về trật tự xây dựng (tại Điều 15 dự thảo) là một trong những nội dung được rất nhiều địa phương quan tâm, phản ánh được Thanh tra Bộ tập trung nghiên cứu, sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Dự thảo điều chỉnh theo hướng phân tách hành vi theo quy mô công trình để xử phạt cho phù hợp, tăng mức phạt, cụ thể phạt tiền đến 300 triệu đồng đối hành vi xây dựng công trình không phép, sai phép, sai thiết kế, sai quy hoạch xây dựng (đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư), phạt tiền đến 600 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc sau khi đã ban hành quyết định xử phạt (mức phạt quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP là 350 triệu đồng), đặc biệt tái phạm sẽ bị xử phạt đến 01 tỷ đồng (đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư). Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, trong nhiều trường hợp còn bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trường hợp tổ chức, cá nhân không khắc phục việc xây dựng sai so với giấy phép xây dựng trong thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy giấy phép xây dựng theo quy định và thông báo cho chủ đầu tư, UBND cấp xã nơi có công trình xây dựng.

sua doi bo sung 125 hanh vi nang 2 lan muc phat va tich thu phuong tien vi pham
Tăng mức xử phạt kịch khung đối với một số hành vi trong kinh doanh bất động sản đảm bảo tính răn đe.

Tăng mức phạt lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi trong kinh doanh bất động sản

Trên cơ sở quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, mức xử phạt tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được tăng từ 300 triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng (áp dụng đối với tổ chức), theo đó một số hành vi đề xuất tăng mức phạt lên đến 600 triệu đồng như: Kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định; thu tiền của bên mua, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng tiến độ thực hiện dự án hoặc thu vượt tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo quy định.

Đặc biệt tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi vi phạm của chủ đầu tư liên quan việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án vi phạm trình tự thủ tục quy định; bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ trong dự án đã được phê duyệt hoặc đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa đảm bảo kết nối với hạ tầng chung của khu vực...

Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản có thời hạn và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc hoàn trả kinh phí, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy định hoặc cam kết… nhằm khắc phục, xử lý triệt để hậu quả của các hành vi vi phạm.

sua doi bo sung 125 hanh vi nang 2 lan muc phat va tich thu phuong tien vi pham
Hiện vẫn có nhiều chủ đầu tư cố tình chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư tại Hà Nội.

Kiên quyết xử lý các chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì chung cư

Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư được Thanh tra Bộ đề xuất trong dự thảo nhằm xử lý triệt để vấn đề nóng hiện nay là “om” quỹ bảo trì tại các chung cư.

Xuất phát từ thực tế tình trạng đơn thư khiếu nại gay gắt kéo dài trong việc tranh chấp quỹ bảo trì tại nhiều chung cư tạo nên tình trạng căng băng rôn, khẩu hiệu làm “xấu xí” bộ mặt đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giao Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Cụ thể, trong đợt thanh tra vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 Kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Sau thanh tra đã giải quyết triệt để nhiều khiếu nại gay gắt của các cư dân, góp phần đưa cuộc sống của hơn 60 vạn người dân ổn định trở lại.

Kết luận thanh tra đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang ngay trong vòng 10 ngày cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng.

Đồng thời buộc chủ đầu tư trả lại ngay trong phạm vi 20 ngày 2.080m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân (tương đương số tiền khoảng 62,4 tỷ đồng) đối với 5/18 chủ đầu tư do tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp (chung cư ít nhất là 25m2, chung cư nhiều nhất là 1.580m2).

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất bổ sung 23/26 hành vi vi phạm còn thiếu và tăng mức xử phạt hiện đang áp dụng còn thấp đối với 03/26 hành vi vi phạm về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư với mức xử phạt “kịch khung” số tiền là 300 triệu đồng/1hành vi, cùng mức phạt này được áp dụng đối với hành vi tái phạm khi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp nhằm tăng tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Ngoài việc xử phạt đối với chủ đầu tư, dự thảo nghị định cũng quy định chế tài xử lý đối với Ban quản trị nhà chung cư, Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và người sử dụng nhà chung cư trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Ngoài việc xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm hoặc buộc hoàn trả lại chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khoản tiền chênh lệch (nếu có) do tính sai diện tích….

Một điểm nữa đáng lưu ý là dự thảo Nghị định mới đã quy định chế tài xử phạt đối với hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế và tiến tới chấm dứt đối với việc đầu tư xây dựng có vi phạm tại một số khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, diễn biến phức tạp như hiện nay.

Bổ sung một số hành vi như: Thiết kế xây lắp, bảo trì, sử dụng và kiểm tra các thiết bị của khách hàng sử dụng nước được đấu nối vào mạng lưới cấp nước không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; không thông báo kịp thời cho các khách hàng sử dụng nước có biện pháp dự trữ nước trong thời gian sửa chữa sự cố và khôi phục dịch vụ cấp nước; không thực hiện các biện pháp cấp nước tạm thời hoặc biện pháp cấp nước tạm thời không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân ở khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian khắc phục sự cố; không xử lý hoặc xử lý nước thải trong nghĩa trang không đảm bảo quy chuẩn môi trường theo quy định; không tổ chức gom, vận chuyển, xử lý không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất thải….

Trước tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước tại một số nơi, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn, xử lý nước thải trong nghĩa trang chưa đúng quy định, Thanh tra Bộ đề xuất điều chỉnh tăng mức phạt tiền, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và buộc khắc phục hậu quả đối với một số hành vi, nhóm hành vi liên quan đến việc xử lý, sử dụng chất thải trong sản xuất vật liệu xây dựng; hành vi vi phạm gây ô nhiễm nước sạch, phát tán chất độc hại và các bệnh truyền nhiễm, bệnh dễ lây lan trong mạng lưới cấp nước; vi phạm các quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải hệ thống thoát nước tại đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp, ví dụ: Phạt tiền từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi gây ô nhiễm nước sạch chưa sử dụng, phát tán chất độc hại và các bệnh truyền nhiễm, bệnh dễ lây lan trong mạng lưới cấp nước, đồng thời yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu của hệ thống cung cấp nước sạch.

Ngày 09/7/2021, Bộ Xây dựng đã gửi toàn văn dự thảo để xin ý kiến 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, một số doanh nghiệp chịu tác động của nghị định và công khai đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin Bộ Xây dựng để lấy ý kiến toàn dân.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng chia sẻ: Thanh tra Bộ Xây dựng với tinh thần cầu thị, mong muốn nhận được nhiều góp ý để nghiên cứu tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 139 có chất lượng, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước trong các lĩnh vực Ngành xây dựng.

Thanh tra Bộ Xây dựng tin rằng, các nhiều hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà sẽ được xử lý nghiêm minh, chặt chẽ và có tính răn đe, góp phần vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load