Thứ ba 05/11/2024 09:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Sự thật về thực trạng triển khai quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội

10:45 | 18/04/2020

(Xây dựng) - HĐND thành phố Hà Nội vừa chất vấn nội dung về công tác quản lý quy hoạch. Trong các chất vấn, đại biểu Nguyễn Nguyễn Quân – Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố đặt câu hỏi về việc chậm nghiên cứu thiết kế và phê duyệt 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Sơn Tây và Xuân Mai; đồng thời, đại biểu cũng chất vấn về chất lượng các đồ án quy hoạch và tình hình quản lý xây dựng theo quy hoạch; yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vi phạm trên.

su that ve thuc trang trien khai quy hoach xay dung thu do ha noi
Dải đất ven sông Hồng vẫn là chiếc bánh vẽ của các nhà quy hoạch, kiến trúc Thủ đô.

Ông Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã trả lời chất vấn những câu hỏi nêu trên. Ông đã nhận lỗi trước HĐND do để chận trễ trong việc thực hiện quy hoạch phân khu của 5 đô thị vệ tinh và chất lượng của các đồ án quy hoạch. Ông cho rằng: Việc lập và hướng dẫn đồ án quy hoạch như “ma trận” mà những người có chuyên môn cũng đã thấy khó hiểu.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cho rằng: Việc trả lời của ông Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội là không đáp ứng được yêu cầu của các đại biểu; chưa mạnh dạn nêu những bất cập trong thực tế lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch xây dựng; chưa đánh giá được nguyên nhân khách quan, chủ quan, biện pháp khắc phục… Như vậy công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng của Hà Nội thời gian tới cũng chưa thể hy vọng “sáng sủa” hơn.

Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định 1258/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Đây thực chất cũng chỉ là định hướng. Muốn thực hiện xây dựng thì phải có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mới có cơ sở để thực hiện.

Hơn 5 năm trôi qua, quy hoạch phân khu của 5 đô thị vệ tinh chưa được lập và phê duyệt. Quy hoạch phân khu của toàn thành phố cũng mới chỉ được lập và phê duyệt những tháng gần đây. Vậy cơ sở nào để UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt hàng trăm dự án đầu tư xây dựng những năm vừa qua?

Xét về việc thời gian lập quy hoạch, theo ý kiến của Giám đốc Sở Kiến trúc Quy hoạch, nguyên nhân chính là do các tổ chức tư vấn lập quy hoạch, quy trình lập và duyệt quy hoạch phức tạp, một đồ án quy hoạch cần phải có tới 12 chuyên ngành… Đây là những vấn đề được quy định trong Luật Quy hoạch đô thị, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc cũng cần làm rõ với nhân dân các tổ chức tư vấn lập quy hoạch tại Hà Nội thời gian qua được thông qua đấu thầu hay chỉ định thầu? Hợp đồng có quy định rõ thời gian, chế độ thưởng, phạt nếu chậm tiến độ đồ án? Việc đôn đốc của các cơ quan chuyên môn thành phố đối với các nhà tư vấn ra sao? Có như vậy mới làm rõ được trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào?

Dư luận cũng không đồng tình khi lãnh đạo thành phố cho rằng đã chọn những tư vấn tốt nhất; trong khi có những chuyên gia quy hoạch lại làm việc cho nhiều tổ chức tư vấn, mà Hà Nội có hàng ngàn tổ chức tư vấn làm công tác lập quy hoạch xây dựng.

Câu hỏi vẫn được đặt ra là Hà Nội đã thực hiện đầu thầu rộng rãi chưa? Đã tổ chức thi phương án thiết kết ý tưởng quy hoạch chưa? Nếu làm được những vấn đề nêu trên thì có thể sẽ hạn chế tối đã về thời gian lập quy hoạch cũng như chất lượng đồ án.

su that ve thuc trang trien khai quy hoach xay dung thu do ha noi
Dân chung cư cũ vẫn đang chờ thành phố giải cứu khỏi cảnh sống ô nhiễm nguy hiểm.

Nói về chất lượng đồ án quy hoạch: Đây là vấn đề mấu chốt mà bài viết này chúng tôi cũng không thể nêu hết được. Nhưng có một số vấn đề cơ bản cũng cần nêu ra để Sở Quy hoạch – Kiến trúc tham khảo: Hầu hết các đồ án quy hoạch không đủ hệ thống bản đồ theo quy định. Các bản đồ quy hoạch thể hiện không rõ dẫn đến trên thực thể thực hiện tùy tiện. Một thực tế đã diễn ra, khi thể hiện hệ thống giao thông trên bản đồ quy hoạch nhưng tại điểm đầu, điểm cuối, những điểm vòng, điểm nút giao thông không ghi tọa độ dẫn đến khi mở đường nhân dân khiếu kiện thì chính quyền cơ sở không có cơ sở, căn cứ để giải đáp. Hệ thống cốt xây dựng cũng không được xác định cho từng tuyến đường, cho từng khu vực; khớp nối hệ thống hạ tầng không đồng bộ giữa các khu đô thị. Vì vậy khi các chủ đầu tư tiến hành xây dựng thì diễn ra một thực trạng khu đô thị cao dồn nước vào khu đô thị thấp gây ngập lụt cục bộ. Việc đầu tư cải tạo các tuyến đường thành phố cũng tương tự như vậy. Đa số nội dung giấy phép không tôn trọng các cốt xây dựng chuẩn; cho phép xây dựng nhà ở không ghi cốt… Đây là nguyên nhân gây ngập lụt thành phố. Việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dân cư đô thị ở từng khu vực tăng cao; hạ tầng kỹ thuật quá tải, giao thông tắc nghẽn…

Vài năm trước, một số quy hoạch phân khu không nằm trong quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng Hà Nội không hiểu vô tình hay cố ý vẫn đưa vào quy hoạch phân khu để xin ý kiến các bộ, ngành để phê duyệt hoặc điều chỉnh cục bộ. Ví dụ như quy hoạch phân khu khu vực ga Hà Nội và phụ cận tỷ lệ 1/2000. Trong quy hoạch này bố trí khu ga đường sắt cao từ 40 – 70 tầng tại khu trung tâm của khu quy hoạch. Một số khu vực khác bố trí công trình cao 40 – 60 tầng.

Sau khi dư luận phản ứng, Bộ Xây dựng và một số bộ, ngành không đồng tình vì trái với quy hoạch chung và quyền điều chỉnh này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến thì công việc xin ý kiến và phê duyệt đồ án phân khu này hiện đã không còn thấy ai nhắc đến…

Một công trình khác như việc nâng cấp, cải tạo Khách sạn Thắng Lợi, một công trình mang tính lịch sử - quà tặng của nhân dân Cu Ba tặng nhân dân Việt Nam tại quận Tây Hồ, UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng và một số bộ, ngành nâng một phần khách sạn lên 36 tầng. Sau khi gặp phải sự phản ứng của dư luận; Chính phủ có ý kiến thì sự việc lại tiếp tục rơi vào im lặng… Kiểu làm thay đổi quy hoạch chung bằng cách hợp thức hóa quy hoạch phân khu là phổ biến. Đối với những công trình, dự án “lộ liễu” thì xin các bộ, ngành; còn các loại dự án và công trình khác thì đương nhiên được hợp thức hóa bởi các quy hoạch phân khu.

Nếu kiểm tra lại một số quy hoạch phân khu so với quy hoạch chung thì chúng ta sẽ thấy: Nhiều Khu công nghiệp, nhà máy trong nội thành được Chính phủ quyết định rời chuyển ra ngoại ô để hạn chế ô nhiễm đô thị, ách tắc giao thông. Trên nguyên tắc các khu đất mà các nhà máy đã di rời chủ yếu xây dựng công viên cây xanh, trường học, các công trình phúc lợi công cộng, thì hiện tại đa phần những khu đất này đã biến thành những cao ốc, nhà ở cao tầng, có những dự án đã xây dựng, có những dự án đang được lập, phê duyệt.

Hãy kiểm tra quy hoạch chung quanh tuyến đường Lê Văn Lương so với quy hoạch phân khu hiện nay, chúng ta sẽ thấy có một sự điều chỉnh rất lớn về tầng cao, quy mô dân số. Ai đã đặt bút ký điều chỉnh hàng trăm công trình cao tầng, tăng mật độ dân cư lên nhiều lần trong khu vực này? Một dải đất nhỏ nằm sát chân đê tại khu nhà máy nước Yên Phụ, ai đã điều chỉnh thành công trình cao ốc đa chức năng? Việc di chuyển bến xe Lương Yên đã có đề án, nhằm giải quyết ách tắc giao thông, nhưng đã được điều chỉnh xây dựng 3 tháp nhà ở cao tầng tiếp tục gây thêm ách tắc giao thông khu vực? Việc điều chỉnh xây dựng bệnh viện giữa khu dân cư khu vực Ngoại Giao Đoàn đã làm dư luận và nhân dân quanh khu vực này bức xúc… và rất nhiều dự án khác cũng được hợp thức hóa trong quy hoạch phân khu. Việc điều chỉnh này đều trái với các Điều 46, 47,48, 49 và Điều 51, Luật Quy hoạch năm 2009 về trình tự, thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch.

su that ve thuc trang trien khai quy hoach xay dung thu do ha noi
Một công trình không theo bất cứ quy hoạch nào được xây dựng ở Ba Vì.

Thông thường khi chủ đầu tư yêu cầu điều chỉnh, thì Văn phòng UBND thành phố ra thông báo ý kiến của lãnh đạo thành phố: Giao cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện… Như vậy, hầu hết các công trình điều chỉnh chỉ bằng văn bản này là cao nhất. Khi Thanh tra kiểm tra, điều tra thì chỉ có người ký văn bản, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và những sở, ngành liên quan là chịu trách nhiệm. Còn ý kiến của lãnh đạo thành phố về việc chỉ đạo trên thì không được xem xét? Từ đó, chúng ta hoàn toàn thông cảm với cách giải thích của ông Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc vì không dám nói lên vấn đề này.

Nói về quy hoạch cấp nước thành phố Hà Nội: Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ngày 21/3/2013 về phê duyệt quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung quyết định, Chính phủ đã phê duyệt bổ sung 3 nhà máy nước mặt đó là: Nhà máy nước mặt Sông Đuống, nhà máy nước mặt Sông Hồng, nhà máy nước mặt Sông Đà. Trong khi các chủ đầu tư đã và đang hoàn thiện đầu tư xây dựng nhà máy công suất giai đoạn 1, đang triển khai đầu tư nhà máy giai đoạn 2 theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Với công suất các nhà máy thì hệ thống đường ống phân phối của Hà Nội hiện nay là không đủ tải, đặc biệt thiếu hệ thống mạng vòng chưa được xây dựng đã dẫn đến thiếu an toàn trong cấp nước đô thị và điều đó cũng đã xảy ra. Nhưng có điều lạ, UBND thành phố Hà Nội lại ký quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy không có trong quy hoạch.

Ngày 6/6/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 2775/QĐ-UBND chấp thuận nhà đầu tư: Công ty Cổ phần nước Aqua One với trạm bơm tăng áp đặt tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội với công suất 120.000m3/ngày đêm. Các thủ tục đầu tư chưa hoàn thành, nhưng Công ty này đã triển khai xây dựng. Không những thế, hiện nay UBND thành phố Hà Nội đang tiếp tục thông qua HĐND, xin ý kiến một số bộ, ngành để trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch cấp nước thành phố. Đây có phải để nhằm mục đích hợp thức hóa cho công trình dạng “cầm đèn chạy trước ôtô” này?

Nhìn lại toàn cảnh trong việc lập phê duyệt quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch của Hà Nội chúng ta thấy có nhiều mảng tối. Tình hình ngập lụt, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày một tăng mặc dù thành phố đã chi nhiều tiền của, công sức để nghiên cứu qua các đề tài khoa học ngăn chặn tình trạng trên nhưng kết quả cũng không được bao nhiêu. Có phục vụ lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh các quy hoạch này hay không? Với tai mắt của nhân dân và lương tri của những người yêu Hà Nội, điều này không sớm thì muộn cũng sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ?

Bức tranh quy hoạch thành phố Hà Nội sơ bộ nêu trên, ông Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc là người trong cuộc không thể không biết và cũng không thể thoái thác trách nhiệm. Sao ông không mạnh dạn nêu lên cho các đại biểu HĐND thành phố biết để cùng chung tay bàn cách khắc phục? Sự im lặng của ông khiến cho cái giá phải trả bắt đầu từ công tác quy hoạch là rất lớn; thậm chí nhiều thế hệ phải tiếp tục trả giá.

Duy Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load