Tìm trong ký ức
Những ngày mưa, con đường vào thôn Thu Thuỷ, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội trở nên khó đi. Nằm ven sông Cà Lồ uốn lượn, với con đê bao đắp bằng đất đỏ, các hộ dân Thu Thuỷ như ẩn mình trong không gian yên tĩnh, mang nét đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lao xe xuống con dốc trơn trượt đầu đê, tôi vào Hợp tác xã (HTX) Thu Hồng để tìm những lão làng có công làm sống lại một nghề truyền thống vốn nổi tiếng thời xưa.
Ngồi trong căn nhà làm bằng tre, trong tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái lá, lão làng Phan Khải bồi hồi nhớ lại ký ức xưa về một làng nghề nổi danh đất Hà thành. Làng Thu Thuỷ vốn mang tên Thu Hồng. Xưa kia, hai vị tướng tài của Triệu Việt Vương là Trương Hống, Trương Hát đã tuẫn tiết trên dòng sông Như Nguyệt để tỏ lòng trung nghĩa.
Dân các làng ven sông được thờ hai vị tướng. Thời vua Lê Hiển Tông có sắc phong cho làng Thu Hồng thờ hai vị tướng tài làm thành hoàng làng. Làng Thu Hồng khi đó chỉ quanh năm chiêm khê mùa thối, chẳng có gì để làm đình thờ thành hoàng làng. Xung quanh làng khi đó chỉ có tre và trúc.
Vậy là ý tưởng làm đình thờ thành hoàng bằng tre trúc được thực hiện. Ngay sau đó, tre trúc cũng được dùng làm các dụng cụ sinh hoạt trong gia đình, rồi trở thành hàng hoá. Người dân trong làng làm các sản phẩm như nhà tre, trường kỷ, chõng tre, giường tre, rổ rá, bàn ghế …Tre trong làng không đủ để sản xuất, người làng phải chuyển nguyên liệu từ nơi khác về. Địa thế của làng cũng rất thuận tiện cho nghề tre trúc phát triển. Làng nằm ven sông Cà Lồ, các bè tre trúc được vận chuyển về từ phía Bắc theo con sông mà đưa vào làng.
Từ những bàn tay khéo léo cộng với đức tính cần cù, chăm chỉ, sản phẩm của các nghệ nhân làng tuy giản dị nhưng chắc và bền, được nhiều người ưa chuộng. Dân làng học nghề này rất sáng dạ. Vẻ như sự khéo léo, tỉ mỉ đã ăn sâu vào bên trong người dân Thu Hồng, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Làng sống bằng nghề, phụ nữ cũng làm nghề. Bởi vậy, cái tên Thu Hồng đã nổi tiếng, sánh ngang với gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc…
Tính từ thời điểm đó đến nay, làng nghề đã có hơn 300 năm tuổi. Tuy nhiên, khi các sản phẩm làm từ nguyên liệu khác dần dần lên ngôi như gỗ, nhựa, sắt... thì tre trúc cũng theo đó mà mai một dần. Người làng bỏ nghề đi theo các công việc khác dễ kiếm tiền, thậm chí cả nghề buôn phế liệu. Dấu tích của nghề cho đến ngày nay còn sót lại ở Nghè làng và trong trí nhớ của những nghệ nhân làng. Tưởng chừng, làng nghề chỉ còn lại trong ca dao và trong ký ức của những bậc cao niên, nhất là từ khi làng gọi tên Thu Thuỷ.
Những người làm sống lại hồn tre
Rót chén trà đặt trên chiếc khay làm bằng mây giản dị, ông Phan Khải đã tạo ấn tượng cho khách ngay từ hình ảnh đầu tiên về một vẻ đẹp truyền thống từ sản phẩm gẫn gũi nhất với đời sống. Hợp tác xã tre trúc Thu Hồng mà ông gây dựng đang đưa làng nghề truyền thống trở quay dần lại với thời kỳ phát triển rực rỡ nhất.
Từ năm 2000, sau khi về hưu, ông Khải thấy người dân lao động cần cù, chịu khó nhưng phải đi làm ăn xa vất vả với những nghề buôn chum, vại sành, thu gom đồng nát, hay làm thuê... Nỗi lo về nguy cơ tiếp nhận những cái xấu mang từ bên ngoài về luôn trăn trở trong tâm trí những người cao tuổi của làng. Ông Khải nắm tâm tư nguyện vọng của một số người dân rồi tập hợp các lão làng tâm huyết, quyết tâm khôi phục làng nghề. Vậy là, ngay sau khi chính sách ưu tiên phát triển làng nghề của Chính phủ vào năm 2000, HTX tre trúc Thu Hồng ra đời với mục tiêu làm trung tâm khôi phục và phát triển nghề tre trúc truyền thống, giải quyết việc làm cho người lao động, tham gia phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. HTX thành lập trong vuôn vàn khó khăn, cả về vốn lẫn tiêu thụ sản phẩm. Ông Khải khẳng định: “Để khôi phục một làng nghề, cá nhân không làm nổi mà Nhà nước phải ra tay. Rất may, việc khôi phục làng nghề của chúng tôi được thành phố, liên minh HTX quan tâm và tạo điều kiện.
Trong đó, có cả việc tạo điều kiện tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ văn hoá, du lịch để quảng bá làng nghề”. Sản phẩm của HTX phong phú từ nhà tre cho đến các sản phẩm gia dụng như nhà sàn, nhà lục lăng, bát giác mái lợp lá gồi có thể tháo lắp dễ dàng; giường tủ; các loại bàn ghế gấp bằng tre; các loại đèn cây, đèn treo tường, khay trà…...
Sản phẩm tre trúc vừa để dùng, lại vừa để trang trí, thích hợp với những ngôi nhà kiểu cổ, những vị khách có tâm lý muốn hướng tới vẻ đẹp dân dã, thôn quê. Hơn 20 kiểu nhà cổ hoặc được thiết kế mới luôn được khách đặt hàng. Thường xuyên HTX phải cử người đi lắp đặt cả ở nơi xa xôi. Nhiều khi, hơn 20 lao động của HTX không đáp ứng đủ hợp đồng đặt hàng. Hàng tre trúc Thu Hồng lấy được uy tín với khách hàng không chỉ bởi đậm chất quê mà còn vì cả độ bền với thời gian. Ông Khải mày mò nghiên cứu để tạo ra loại chất ngâm sản phẩm tránh được mối mọt mà không gây độc hại.
Ông Khải mở cho chúng tôi xem kho hàng chuẩn bị xuất đi Quảng Trị. Mấy chục bộ bàn ghế bóng mầu tre. Tất cả giản dị, mộc mạc mà chân chất như chính chủ nhân của nó - những lão nông tâm huyết, say nghề. Năm nay, ông Khải đã sang tuổi 75, những người sát cánh bên ông cũng đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” như cụ Phan Văn Hội, cụ Phan Văn Khả, hay có người đã khuất bóng khi sang tuổi 90 như cụ Nguyễn Văn Xiểm...
Người còn sức vẫn mải miết tìm nét quê, nét truyền thống trong sản phẩm sáng tạo mỗi ngày của mình. Chỉ trong buổi chiều, chúng tôi đã gặp nhiều vị khách từ xa tới đặt hàng. Anh Quảng ở thôn Nguyên Khê, xã Đông Anh tâm sự: “Nhà tôi lợp ngói và tôi cũng rất thích trang trí nhà cửa bằng tre nứa. Nghe tiếng làng nghề, tôi rủ anh bạn đến, nhờ người làng đến nhà đo đạc và đặt bộ bàn ghế để phù hợp với nhà. Tôi thích không gian quê xưa trong ngôi nhà mình”.
Chúng tôi rời khỏi ngôi làng ven sông Cà Lồ khi trời đã sập tối. Mấy nghệ nhân làng vẫn say sưa đục, đẽo trên thân tre thanh mảnh nhưng dẻo dai. Tâm huyết của những lão làng đã được đền bù, thị trường đã công nhận, làng nghề đang được hồi sinh.
V.Hà (Theo NHN)
Theo baoxaydung.com.vn