- Làm gì để gạch không nung phát triển?
- Vì sao việc phát triển gạch không nung còn hạn chế?
- Các nhà sản xuất xoay xở như thế nào?
(Xây dựng) - Nhằm tăng cường phát triển và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong thời gian tới, nhiều giải pháp, kiến nghị đã được các bên liên quan đề xuất.
Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức
Đây là một trong những đề xuất được kiến nghị nhiều nhất. Giám đốc Cty CP Gạch Khang Minh, ông Lê Hoài An đề xuất: Để thúc đẩy việc ứng dụng VLXKN, Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các tài liệu, cơ sở pháp lý liên quan như tài liệu hướng dẫn thi công, nghiệm thu, hệ thống định mức.
Theo ông An, đối với gạch xi măng cốt liệu (gạch bê tông), mỗi tháng, riêng tại Hà Nội có từ 20 - 25 công trình sử dụng. Tuy nhiên, trong suốt 7 năm qua (từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020), đến nay vẫn chưa có đầy đủ tài liệu hướng dẫn thi công, nghiệm thu và định mức đầy đủ khiến cho gạch bê tông khó ứng dụng, khó đưa vào được công trình. Để đưa sản phẩm vào được các công trình, DN phải tự vận động, trực tiếp làm với các nhà thiết kế, chủ đầu tư, nhà thầu để tư vấn, thuyết phục bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhà sản xuất dù có tài liệu kỹ thuật cơ sở nhưng vẫn chưa phải cơ sở pháp lý đủ mạnh để tăng sức thuyết phục nhà đầu tư, nhà thầu sử dụng VLXKN.
Cũng theo ông An, cần có chế tài kiểm tra, giám sát việc triển khai các văn bản pháp quy của Nhà nước trong thực tế cuộc sống. Bởi có trường hợp, dự án ban đầu được thiết kế sử dụng gạch không nung nhưng sau đó chủ đầu tư lại tự đổi thành gạch nung…
Tương tự, ông Nguyễn Minh Thái (Sở Xây dựng TP.HCM) đề xuất: Bộ Xây dựng sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế, thi công và nghiệm thu riêng cho tường xây bằng gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt và gạch xi măng cốt liệu; làm cơ sở để các đơn vị áp dụng cho thống nhất và đồng bộ, phù hợp với thực tế, nhằm giúp các chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia xây dựng khắc phục các khiếm khuyết và yên tâm khi sử dụng VLXKN.
Tăng thuế nhằm tạo cân bằng giữa VLXKN và gạch đất sét nung
Cũng ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đức Lợi (Sở Xây dựng Đà Nẵng) đề xuất: Bộ Xây dựng cần kiến nghị các Bộ liên quan sớm hoàn chỉnh, ban hành các chính sách thiết thực hỗ trợ, ưu đãi đầu tư (vay vốn, thuế, chuyển giao công nghệ…) nhằm khuyến khích phát triển và tạo điều kiện cho các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN, các dự án sản xuất VLXKN.
Về vấn đề này, ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Cty CP Sông Đà Cao Cường chia sẻ: Có những cơ chế chính sách ưu đãi đã ban hành nhưng mới chỉ dừng ở vĩ mô. Còn việc triển khai chính sách để các DN tiếp cận được, như nguồn vốn ưu đãi phục vụ đầu tư sản xuất, thuế nhập khẩu, thuế ưu đãi cho các DN nghiên cứu được công nghệ sản xuất trong nước… rất khó khăn. Chính sách ưu đãi thuế đất, thuế thu nhập mới ban hành chung chung nên khi các DN làm việc với ngành thuế và ngành liên quan thì gần như không có văn bản hướng dẫn cụ thể. DN chỉ nhận được câu trả lời là… phải hỏi lại bộ nọ, ngành kia. DN không thể nào tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi.
Đề cập giải pháp hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, ông Kiều Văn Mát đề xuất: Nhà nước nên điều tiết bằng chính sách, bằng thuế, đơn cử là tăng thuế đối với việc sản xuất và sử dụng đất sét nung đồng thời quy định tất cả các công trình thuộc vốn ngân sách Nhà nước, các công trình chung cư, văn phòng, trụ sở chuyển sang sử dụng VLXKN...
Đồng tình với quan điểm về thuế, ông Nguyễn Minh Thái cũng cho rằng Bộ Xây dựng cần phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TN&MT báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với đất sét dùng để sản xuất gạch ngói một cách hợp lý hơn, nhằm tạo cân bằng giữa giá thành VLXKN và gạch đất sét nung.
Ngoài ra, ông Thái cũng đề xuất: Bộ Xây dựng cần ban hành các chính sách hỗ trợ về đầu tư xây dựng công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng (nguồn sử dụng VLXKN) nhằm đẩy mạnh tiêu thụ vật liệu thân thiện với môi trường, góp phần phát triển bền vững ngành Xây dựng...
Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề đưa nội dung kỹ thuật thi công VLXKN vào chương trình đào tạo, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực để cung cấp cho các công trình xây dựng.
Nâng cao tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình
Về phía Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ VLXD Phạm Văn Bắc cho biết: Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thông tin, tuyên truyền phổ biến Chương trình 567, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương, DN và toàn xã hội thấy được lợi ích của việc sử dụng VLXKN. Bộ tăng cường đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg, Thông tư 09/2012/TT-BXD về VLXKN, trong đó lưu ý việc chỉ đạo thực hiện lộ trình xóa bỏ gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng thiên nhiên hóa thạch và tăng cường sản xuất, sử dụng VLXKN.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BXD theo hướng nâng tỷ lệ sử dụng gạch nhẹ trong các công trình cao tầng; quy định cụ thể chế độ nhà đầu tư, đơn vị thi công phải báo cáo Sở Xây dựng địa phương về tình hình sử dụng VLXKN hàng quý, năm và kết thúc công trình.
Bộ cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 121/2014/NĐ-CP với quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng với các mức phạt cao hơn.
Quý Anh - Linh Anh
Theo