Thứ tư 15/01/2025 13:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Sôi động đấu giá đất ở Hà Nội: Nắm bắt cơ hội, phòng ngừa rủi ro

16:01 | 11/08/2024

Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác đấu giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội chứng kiến sự sôi động trở lại, đặc biệt tại các huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Đan Phượng, Phú Xuyên… Các phiên đấu giá đất trong tháng 7, 8 thu hút đông đảo khách hàng tham gia, có khu vực giá đấu trúng tăng gần chục lần so với giá khởi điểm.

Việc giá đất tăng mạnh trong một số phiên gần đây là tín hiệu tích cực của thị trường, tuy nhiên, cũng cho thấy nguồn cung đang khan hiếm. Để ổn định thị trường, gia tăng nguồn cung, các sở, ngành, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá đất.

Sôi động đấu giá đất ở Hà Nội: Nắm bắt cơ hội, phòng ngừa rủi ro
1.500 khách hàng bỏ phiếu đấu giá quyền sử dụng đất khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, ngày 10-8. Ảnh: Thanh Bạch.

Sôi động các phiên đấu giá đất

Ngày 10-8, huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Tổng diện tích 10.297,3m², dự kiến thu về 404 tỷ đồng, vượt 349 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Mức giá khởi điểm từ 8,6 triệu đồng/m² đến 12,5 triệu đồng/m² đã thu hút gần 1.500 khách hàng với hơn 4.000 hồ sơ tham gia…

Ông Nguyễn Công Quảng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, đây là cuộc đấu giá đầu tiên của huyện trong năm 2024 và đã thành công tốt đẹp.

Trước đó, ngày 2-8, UBND huyện Thường Tín cũng tổ chức thành công phiên đấu giá 13 lô đất tại các xã Dũng Tiến, Tô Hiệu, thu gần 50 tỷ đồng, vượt hơn 28 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Huyện Phú Xuyên cũng tổ chức đấu giá đất thành công tại khu Bờ Giếng Trên, thôn Kiều Đông, xã Đại Xuyên; khu đất Đồng Dọc Dưới, thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, thu về hơn 100 tỷ đồng.

Cuối tháng 7, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng đã tổ chức đấu giá thành công 85 thửa đất. Trong đó, có 2 thửa tại khu Đồng Sậy - Trẫm Sau (giai đoạn 3), xã Đan Phượng; 67 thửa tại khu trục đường N1, xã Hạ Mỗ; 16 thửa ở khu Đệ Nhị, xã Phương Đình (giai đoạn 2). Tất cả thửa đất đều được trả giá cao hơn giá khởi điểm. Ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng cho biết, tổng cộng có 1.252 hồ sơ tham gia đấu giá.

Ông Nguyễn Xuân Chiến, một người môi giới bất động sản khu vực huyện Thanh Oai cho rằng, một số lô đất tại xã Thanh Cao bị đẩy giá cao hơn thị trường. Ngay sau khi trúng đấu giá, một số khách hàng đã chào bán lại trên các trang bất động sản với mức chênh từ 100 đến 300 triệu đồng/lô. Hiện, giá đất trong khu dân cư xã Thanh Cao dao động từ 35-40 triệu đồng/m².

Đối với đất đấu giá có vị trí đẹp, hạ tầng đồng bộ, mức giá chênh cao hơn và thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, theo ông Chiến, khách hàng tham gia đấu giá hoặc mua lại đất cần đánh giá kỹ để tránh mua phải giá quá cao do sự dẫn dắt của nhóm khách hàng khác.

Sôi động đấu giá đất ở Hà Nội: Nắm bắt cơ hội, phòng ngừa rủi ro
Từ đầu năm tới nay, huyện Phú Xuyên cũng đã tổ chức thành công nhiều phiên đấu giá đất. Ảnh: Thanh Bạch.

Theo bà Trần Thị Nguyệt, một nhà đầu tư thường xuyên tham gia đấu giá đất, các phiên đấu giá tại các huyện ven đô như: Phú Xuyên, Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng… đã sôi động trở lại trong 3 tháng gần đây, khác hẳn cảnh đìu hiu, vắng khách của năm 2023. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến của giá đất gần đây có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc đẩy giá một số lô đất lên cao hơn giá thị trường có thể dẫn đến tình trạng nhóm khách hàng đầu tư cố tình đẩy giá, gây khó khăn cho người mua, ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường.

Trong những tháng đầu năm, các phiên đấu giá đất trên địa bàn thành phố không ghi nhận trường hợp khách hàng bỏ cọc. Tuy nhiên, hơn một tháng trở lại đây, tại một số địa phương, có những lô đất được đấu giá với mức cao gấp gần 10 lần so với mặt bằng chung của thị trường, gây lo ngại cho nhiều nhà đầu tư.

Theo quy định hiện hành, người trúng đấu giá có tối đa 90 ngày để nộp tiền và hoàn thành các nghĩa vụ liên quan. Điều này tiềm ẩn nguy cơ khách hàng bỏ cọc sau thời gian quy định, buộc cơ quan chức năng phải tổ chức đấu giá lại, dẫn đến lãng phí công sức và chi phí.

Tháo gỡ khó khăn, tăng nguồn cung

Trong những tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã có 18 quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 72 dự án, với tổng diện tích khoảng 23,8ha. Tổng số tiền thu về từ đấu giá đất đạt khoảng 11.013 tỷ đồng. Kết quả này đạt 34,48% so với Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 15-1-2024 của UBND thành phố, đạt 43,86% theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2024. Đặc biệt, số tiền trúng đấu giá trong những tháng đầu năm 2024 vượt mức cả năm 2023 là kết quả đáng ghi nhận.

Sôi động đấu giá đất ở Hà Nội: Nắm bắt cơ hội, phòng ngừa rủi ro
Dự án đấu giá khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai). Ảnh: Thanh Bạch.

Một số quận, huyện đạt kết quả nổi bật, như: Long Biên đạt 194,74% kế hoạch (khoảng 5.242 tỷ đồng); Mê Linh đạt 244% kế hoạch (khoảng 1.324 tỷ đồng); Phú Xuyên đạt 104,19% kế hoạch (khoảng 179,81 tỷ đồng). Các huyện: Gia Lâm, Chương Mỹ, Quốc Oai cũng đạt trên 50% kế hoạch.

Tuy nhiên, công tác đấu giá đất vẫn gặp khó khăn nhất định. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam, một trong những thách thức lớn là việc tạo lập quỹ đất. Quá trình tổ chức thực hiện vẫn vướng mắc từ khâu thiết lập hồ sơ đấu giá đến chuẩn bị thủ tục theo quy định. Nhiều đơn vị tư vấn từ chối tham gia xác định giá khởi điểm hoặc thực hiện thủ tục chậm do lo ngại pháp lý. Điều này dẫn đến chậm trễ trong việc thẩm định và phê duyệt giá khởi điểm, ảnh hưởng đến tiến độ đấu giá. Hơn nữa, pháp luật về đầu tư, đấu giá tài sản và đất đai còn nhiều nội dung chưa quy định cụ thể, chưa đồng bộ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Sôi động đấu giá đất ở Hà Nội: Nắm bắt cơ hội, phòng ngừa rủi ro
Ngày 10-8, huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao với hơn 4.000 hồ sơ tham gia đấu. Ảnh: Thanh Bạch.

Để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thị trường, các địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá đất. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai nỗ lực phối hợp với cơ quan liên quan để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đấu giá nhằm bảo đảm tiến độ, tạo nguồn thu cho đầu tư xây dựng cơ bản. Từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tổ chức thêm một số phiên đấu giá đất tại 3 khu đất với tổng diện tích gần 9ha: Khu Mang Cá (xã Đỗ Động), khu Mục Xá (xã Cao Dương), khu Cưng Trong (xã Tam Hưng).

Tại huyện Thường Tín, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Lê Tuấn Tú cho biết, địa phương đang tăng tốc triển khai các dự án đấu giá đất tại 2 xã Quất Động, Duyên Thái, tạo nguồn cung cho thị trường. Tương tự, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Xuyên cũng dự kiến đẩy nhanh tiến độ dự án đấu giá đất tại các xã nghề như Phú Túc, Phú Yên, thực hiện trong năm 2024.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất UBND các quận, huyện, thị xã cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền về đấu giá quyền sử dụng đất nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong đấu giá. Các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đấu giá cho quỹ đất đủ điều kiện, ưu tiên các khu đất có khả năng đấu giá ngay trong năm 2024…

Cùng với diễn biến sôi động từ đầu năm 2024, thị trường đấu giá đất tại Hà Nội tiếp tục là điểm sáng với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Các chuyên gia bất động sản dự báo, sự phục hồi của thị trường đấu giá đất tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Việc các địa phương tăng cường tổ chức đấu giá đất, tăng nguồn cung bất động sản góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế địa phương.

Theo Bạch Thanh/Hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load