(Xây dựng) - Trong 10 tháng năm 2023, đã có 2,4 triệu lượt khách du lịch đến với Sóc Trăng, mang lại doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng.
Du khách nước ngoài tham gia làng nghề truyền thống ở huyện Ngã Năm. |
Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Sóc Trăng đã và đang phát triển các loại hình du lịch đặc trưng, gồm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch biển. Trong 10 tháng năm nay, có 2,4 triệu lượt khách du lịch đến với Sóc Trăng, mang lại doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng (vượt 18% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ). Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến Sóc Trăng đạt khoảng 2,8 triệu lượt (tăng 2,8 lần so với năm 2020), doanh thu từ du lịch đạt 1.484 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với năm 2020).
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Du lịch vẫn còn một số khó khăn như: Sản phẩm du lịch đặc thù còn ít; thiếu các khu vui chơi giải trí thu hút khách lưu trú; chưa có hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp như khách sạn 4, 5 sao; chưa khai thác tốt các loại hình di sản văn hoá, di tích lịch sử. Cùng với đó, nguồn vốn thu hút đầu tư vào du lịch còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu…
Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, với việc hình thành các tuyến giao thông đường bộ đi qua Sóc Trăng, cùng với cảng biển nước sâu Trần Đề, kỳ vọng sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành Du lịch tỉnh Sóc Trăng phát triển. Thời gian tới, Sóc Trăng cần ưu tiên phát triển các vùng du lịch mang tính động lực (thành phố Sóc Trăng, Cù Lao Dung, Vĩnh Châu); phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng giữ khách, tạo doanh thu lớn; phát triển du lịch nông nghiệp, lễ hội, ẩm thực…
Đào Văn
Theo