Chủ nhật 08/12/2024 22:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Sạt lở đất bên bờ sông Lam

10:38 | 24/02/2009


Sạt lở bờ sông.

Báo động

Ông Nguyễn Đình Bàng, xóm 4 xã Nam Cường cho biết: Mỗi năm dòng sông ăn vào phần đất màu mỡ của gia đình ông từ 15 - 20m, nếu tình trạng không được cải thiện chỉ vài năm nữa đất sản xuất sẽ theo dòng nước ra biển hết. Mất đất không biết lấy gì để làm… Cùng chung cảnh ngộ mất đất, mất nhà, như gia đình ông Bàng là hàng trăm hộ dân ở xã Nam Cường. Chị Nguyễn Thị Hiên cho biết: Năm 2002 xã cấp cho gia đình chị hơn 1.000m2, mấy năm gần đây tình trạng sạt lở diễn ra liên tục, hiện diện tích đất của gia đình chỉ còn được 400m2. Không có đất, mấy đứa con phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Làm nông nghiệp mất đất chỉ có nước chết, đợt này gia đình phải đi sang xã khác mua lại đất để sản xuất.

Theo thống kê của UBND xã Nam Cường từ năm 1960 đến nay sông Lam đã gây sạt lở, cuốn trôi mất 250ha đất của xã, đã có 4 thôn bị mất trắng. Trong những năm gần đây tình trạng sạt lở đang có diễn biến phức tạp hơn. Cả khu vực dài gần 1km từ bến đò Tân Xuân đến khu vực chân cầu Yên Xuân mỗi năm dòng sông ăn vào đất sản xuất từ 15 - 20m. Ông Thái Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: Đời sống của người dân có nhà, đất dọc theo bờ sông hiện đang đối diện với nguy cơ tái đói, nghèo do mất đất sản xuất. Bình quân mỗi năm toàn xã mất từ 3 - 5ha đất sản xuất.


“Cát tặc“ hoạt động miệt mài.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ dân mà tình trạng sạt lở đang ảnh hưởng đến sự an toàn của cầu Yên Xuân, cây cầu huyết mạch trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Hiện nay, điểm sạt lở chỉ cách chân cầu khoảng chục mét, bởi vậy nguy cơ cây cầu này bị cuốn trôi vào mùa lũ đang cận kề.

“Cát tặc” lộng hành

Được biết nguyên nhân gây sạt lở dọc theo bờ sông Lam là do quy luật bên lở, bên bồi từ hàng ngàn năm của dòng sông này, dòng sông chảy qua xã Nam Cường đang có xu hướng tịnh tiến về hướng Tây Nam. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân sống dọc theo sông Lam thì thủ phạm chính gây nên tình trạng sạt lở ở đây chính là hàng trăm tàu hút cát đang ngày đêm hoạt động hết công suất trên đoạn  sông này. Anh Lê Văn Tâm, nhà gần cầu Yên Xuân, xã Nam Cường nói: Ngày nào cũng có tàu hút cát ở đoạn sông này, họ hoạt động công khai nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào nhắc nhở, xử phạt gì… Đúng như lời phản ảnh của người dân khi có mặt tại khu vực cầu Yên Xuân chúng tôi thấy cảnh khai thác cát trái phép diễn ra nhộn nhịp. Giữa dòng sông gần chục tàu của các hộ dân đang hút cát, dưới chân cầu Yên Xuân là hai bãi tập kết cát lớn, hàng trăm nhân công với trang thiết bị máy móc hiện đại như: Cần cẩu, máy ủi, xe tải… đang hối hả đưa cát từ các thuyền mới khai thác lên bờ.

Trao đổi với phóng viên báo Xây dựng, ông Thái Hồng Sơn thừa nhận: Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì tình trạng các tàu hút cát hoạt động trái phép đã gây nên sạt lở. Chính quyền xã có cử các đơn vị chức năng ra kiểm tra, nhưng do lực lượng mỏng, phương tiện không có nên đành bất lực trước các tàu lớn của đối tượng khai thác cát trái phép. Mấy năm gần đây, năm nào xã cũng có văn bản đề nghị cấp trên giúp đỡ, nhưng tới nay vẫn không có kết quả.

Bên cạnh nạn “cát tặc” lộng hành thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở tại xã Nam Cường còn xuất phát từ hệ thống kè chống sạt lở ở đây được xây dựng tốn kém hàng tỷ đồng nhưng khi đưa vào sử dụng do kém chất lượng nên không có hiệu quả. Kè đưa vào sử dụng từ tháng 3/2007 thế nhưng chỉ hơn một năm sau vào đợt lũ tháng 9/2008 nhiều đoạn bờ kè bị trôi mất từ 40 - 50m. Từ đó cho đến nay không thấy cơ quan chức năng nào tu bổ, sửa chữa bởi vậy tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp hơn, đe dọa đến đời sống của hàng trăm hộ dân cũng như sự an toàn của cầu Yên Xuân, một cây cầu quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam này.

Đức Ngọc

Theo baoxaydung.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load