(Xây dựng) - Để biết nên chuyển nhượng hay tặng, cho khi sang tên sổ đỏ cho người thân thì người dân cần so sánh những điểm giống và khác nhau giữa hai phương án này.
Ảnh minh họa (nguồn: TL).
Điểm giống nhau giữa tặng, cho và chuyển nhượng nhà đất
Về điều kiện sang tên, theo quy định, người sử dụng đất muốn chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp Luật Đất đai. Theo đó, điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất là giống nhau.
Điều kiện này được nêu rõ tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 như sau:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này.
b) Đất không có tranh chấp.
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013.
Bên cạnh đó, người thực hiện phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ khi được đăng ký vào sổ địa chính theo khoản 3 điều 188 Luật Đất đai 2013. Khác với các giao dịch thông thường khác, khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất phải đăng ký biến động đất đai tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký sang tên: Hồ sơ đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất gồm các giấy tờ như: Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK; Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho; Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp; Tờ khai thuế thu nhập cá nhân; Các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ (nếu có); Bản chính tờ khai lệ phí trước bạ.
Ngoài hồ sơ thì nơi nộp hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thực hiện và thời gian thực hiện giữa chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất là giống nhau.
Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Theo Điểm a Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Khi tặng cho quyền sử dụng đất: Điểm d Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013 quy định thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Điểm khác nhau giữa chuyển nhượng và tặng, cho nhà đất
Để biết nên bán hay tặng cho khi sang tên sổ đỏ cho người thân cần phải nắm rõ những điểm khác nhau để từ đó nhận thấy ưu và nhược điểm của từng phương án như sau:
Về thuế thu nhập cá nhân: Mặc dù có điểm chung là được miễn thuế thu nhập cá nhân với một số đối tượng như trên. Tuy nhiên, trường hợp không được miễn thuế thì mức thuế phải nộp sẽ có sự khác nhau, cụ thể:
- Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 2% x Giá chuyển nhượng
- Khi tặng cho quyền sử dụng đất
Căn cứ Điều 16 Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính, mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp được xác định như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x (Giá trị tài sản nhận tặng cho là quyền sử dụng đất - 10 triệu đồng)
Trong đó, giá trị tài sản nhận tặng, cho là quyền sử dụng đất được căn cứ vào bảng giá đất (giá trị tài sản nhận tặng cho là giá đất trong bảng giá đất).
Khi chuyển nhượng thì người chuyển nhượng là người nộp thuế, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận để người nhận chuyển nhượng nộp thuế thay.
Còn khi tặng, cho thì người nhận tặng, cho là người nộp thuế, nếu không có thỏa thuận khác.
Về lệ phí trước bạ: Khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022 của Chính phủ quy định nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa các nhóm đối tượng kể trên được miễn lệ phí trước bạ. Nhưng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các đối tượng trên sẽ không được miễn lệ phí trước bạ.
Người nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất là người nộp lệ phí trước bạ nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Ngoài điểm khác nhau cơ bản về thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ thì trường hợp tặng, cho quyền sử dụng đất người tặng cho có thể "chi phối" việc sử dụng đất của người nhận tặng cho bằng việc tặng cho có điều kiện.
Như vậy có thể thấy việc tặng, cho có nhiều ưu điểm hơn vì được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Trên thực tế các phương án phổ biến nhất triển khai như sau: Nếu giữa cha, mẹ với con thì chủ yếu là tặng, cho; Nếu sang tên sổ đỏ giữa anh, chị, em ruột với nhau thì chủ yếu là chuyển nhượng.
PV
Theo