(Xây dựng) - Phát triển sản phẩm OCOP đem lại giá trị kinh tế cao, từ đó nâng cao thu nhập người gân, góp phần quan trọng việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong xây dựng nông thôn mới, việc phát triển các sản phẩm OCOP là rất cần thiết. |
Chương trình OCOP giúp các huyện nông thôn mới khởi sắc
Trong xây dựng nông thôn mới, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện Chương trình OCOP. Đây là 1 trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm để Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu thực hiện hiệu quả và thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP - One Commune One Product) là chương trình nhằm mục tiêu phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Chương trình OCOP được khởi xướng tại Nhật Bản từ năm 1979. Sau thành công của Nhật Bản, chương trình nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước trên thế giới vì mục tiêu gia tăng thu nhập cho nông dân khu vực nông thôn, phát triển bền vững khu vực nông thôn. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình được triển khai từ năm 2019.
Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 191 sản phẩm của 67 chủ thể được đánh giá, công nhận đạt OCOP, trong đó có 79 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 112 sản phẩm OCOP 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP của Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Để thực hiện hiệu quả chương trình này, mới đây, huyện Hóc Môn ra mắt mô hình Hội quán OCOP đầu tiên của Thành phố. Hội quán OCOP Hóc Môn là nơi tập hợp các sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm - Chương trình OCOP) của địa phương. Đây cũng là nơi chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ đầu ra và tiêu thụ sản phẩm OCOP Hóc Môn.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại liên kết Toàn Cầu, Chủ nhiệm Hội quán OCOP Hóc Môn cho biết, doanh nghiệp đã có kế hoạch liên kết với những đơn vị chuyên xây dựng kênh thương mại điện tử để cùng đồng hành với doanh nghiệp. Qua đó, các chủ thể sản xuất OCOP tại Hóc Môn có cơ hội tham gia các hoạt động đào tạo, hướng dẫn xây dựng thương hiệu, xây kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
“Gần đây, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đã bắt đầu tăng trở lại. Hội quán OCOP Hóc Môn trong thời gian tới sẽ phấn đấu nâng hạng các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao để tăng giá trị sản phẩm, từ đó bước gần hơn tới việc phân phối vào thị trường thế giới”, ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, Hội quán OCOP Hóc Môn sẽ là nơi giúp sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận đông đảo người tiêu dùng. Ngoài ra, còn tạo cơ hội cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương có tiềm năng đến tay khách hàng.
Phát triển sản phẩm OCOP, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
Tại huyện Bình Chánh, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua phong trào phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện cũng phát triển mạnh.
Đánh giá kết quả đạt được từ Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021 - 2024, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh cho biết, để thực hiện chủ trương này, Phòng Kinh tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện Bình Chánh ban hành các kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. Phòng cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về OCOP cho các phòng, ban, ngành của huyện, các xã, thị trấn, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân có sản phẩm tiềm năng, đồng thời xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn.
Tính đến tháng 7/2024, huyện Bình Chánh đã có 27 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 10 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp Thành phố và 17 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp huyện.
Sản phẩm OCOP Thành phố Hồ Chí Minh đang giúp sức xây dựng nông thôn mới. |
Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Phúc Lộc Thọ (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp Thành phố, gồm: Mật ong hoa sen, mật ong hoa bưởi, mật ong hoa dừa và 1 sản phẩm mật ong hoa tràm (mật ong rừng) đạt OCOP 3 sao cấp huyện. Các sản phẩm của công ty không chỉ đa dạng về mẫu mã mà còn được cam kết chất lượng tốt nhất, không qua pha chế, do đó được khách hàng cả nước tin dùng.
Ông Lư Quang Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Phúc Lộc Thọ chia sẻ: “Kể từ khi sản phẩm của chúng tôi được công nhận OCOP 4 sao cấp Thành phố, sức tiêu thụ đã tăng rõ rệt. Sản phẩm của công ty hiện được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, dẫn đến lượng bán ra tăng khoảng 10 - 15% so với trước khi đạt chứng nhận OCOP và doanh thu cũng gia tăng”.
Ông Lư Quang Vũ cũng cho biết thêm, để đáp ứng các tiêu chí OCOP, công ty không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc mà còn tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương. Điều này không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn nâng cao mẫu mã bao bì và chất lượng sản phẩm, từ đó có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu. “Chúng tôi nhận được nhiều hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố, bao gồm tư vấn kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị và nguồn nguyên liệu đạt chuẩn. Sản phẩm khi được công nhận OCOP không chỉ được quảng bá rộng rãi mà còn nâng cao chất lượng và mở ra cơ hội xuất khẩu”, ông Lư Quang Vũ cho hay.
Một sản phẩm khác thu hút người dân trong huyện Bình Chánh là cây mai vàng Tết Bình Lợi của Công ty TNHH Mai Vàng Tết (xã Bình Lợi). Sản phẩm nông nghiệp này đã được công nhận đạt OCOP 3 sao của huyện Bình Chánh trong năm 2023.
Ông Bùi Ngọc Đức, Giám đốc Công ty TNHH Mai Vàng Tết cho biết: “Công ty chúng tôi được thành lập năm 2018 với diện tích 1ha (khoảng 6.000 cây mai), chủ yếu trồng mai nguyên liệu và cho thuê mai Tết. Tính đến cuối năm 2023, chúng tôi đang phát triển trên diện tích 4ha tại Làng mai vàng Bình Lợi. Trong những năm qua, chúng tôi đã ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, hợp tác với trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh để đưa công nghệ vi sinh vào ủ phân chuồng và hệ thống tưới tự động vào quy trình trồng mai, đồng thời ươm và lai tạo các giống mai mới đẹp hơn và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”.
Ông Bùi Ngọc Đức cho biết thêm: “Từ khi sản phẩm của công ty được UBND huyện công nhận OCOP 3 sao, khách hàng từ các tỉnh đã tìm đến mua hàng đa dạng hơn và tin tưởng vào sản phẩm của chúng tôi. Lợi nhuận năm 2023 đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm và công ty đã tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và thời vụ”.
Chương trình OCOP đã góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện Bình Chánh. Đồng thời, giúp hình thành nền kinh tế “xanh”, phát triển các vùng sản xuất nông sản “sạch” và ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương.
“Trong thời gian tới, huyện Bình Chánh sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, giới thiệu, quảng bá và kinh doanh các sản phẩm OCOP, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP tại huyện Bình Chánh”, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh thông tin thêm.
Được biết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu trong năm 2024, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai Chương trình đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố.
Cao Cường- Ảnh: Lê Đức
Theo