Thứ sáu 27/12/2024 01:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Sai phạm tại dự án Vườn Vua: Cổ đông của Công ty TIG coi Kết luận Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ là chưa đủ căn cứ pháp luật

22:43 | 15/04/2020

(Xây dựng) – Một số người tự nhận là cổ đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Thăng Long (TIG) gửi văn bản tới Báo điện tử Xây dựng cho rằng “Biên bản Thanh tra số 295/KL-TNMT ngày 19/2 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ để quy kết sai phạm tại dự án Vườn Vua là chưa đủ căn cứ pháp luật…”.

Dự án đầu tư khu du lịch, biệt thự sinh thái – nghỉ dưỡng Vườn Vua vi phạm từ lâu, nhưng thay vì bị xử lý, ngày 13/12/2019, ông Hồ Đại Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký Quyết định số 3223/QĐ-UBND cho phép Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long Phú Thọ chuyển mục đích hơn 108,000m2 sai phạm thành đất thương mại dịch vụ.

sai pham tai du an vuon vua co dong cua cong ty tig coi ket luan thanh tra cua so tai nguyen va moi truong phu tho la chua du can cu phap luat
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ khẳng định Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long Phú Thọ tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định.

Trong Kết luận Thanh tra số 295/KL-TNMT về việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long Phú Thọ nêu rất rõ: “Công ty đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định đối với diện tích 108.266,5m2 (gồm: 95.940,6m2 đất mặt nước chuyên dùng và 12.325,9m2 đất nuôi trồng thủy sản sang đất thương mại dịch vụ) là hành vi nghiêm cấm theo khoản 3, Điều 12, Luật Đất đai năm 2013.

Tuy nhiên, do Công ty đã được UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích 407.596,3m2 từ đất nuôi trồng thủy sản và đất mặt nước chuyên dùng sang đất thương mại dịch vụ (tăng thêm 184.246m2 so với ban đầu trong đó bao gồm cả diện tích đã tự ý chuyển mục đích từ đất nuôi trồng thủy sản 12.325,9m2 và đất mặt nước chuyên dùng 95.940,6m2 nêu trên) tại Quyết định số 3223/QĐ-UBND ngày 13/12/2019. Vì vậy, không xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty về hành vi này.”.

Ngoài ra, Kết luận cũng khẳng định: “Khai thác, sử dụng nước dưới đất không có giấy phép với lưu lượng lớn nhất 240m3/ngày đêm; được xử lý theo quy định tại Điểm a, Khoản 7, Điều 7, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/04/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản”.

Trong báo cáo ngày 3/4/2020 của UBND huyện Thanh Thủy về một số nội dung liên quan đến Dự án đầu tư khu du lịch, biệt thự sinh thái – nghỉ dưỡng Vườn Vua cũng nêu rõ các sai phạm, gồm: Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; chưa điều chỉnh báo cáo ĐTM theo yêu cầu; chưa hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung, chưa thực hiện thủ tục cấp giấy phép xả nước thải và nguồn nước theo quy định; sử dụng nguồn nước dưới đất khai thác từ giếng khoan để phục vụ cho dự án mà chưa được cấp phép…

Như vậy, có thể thấy rõ các sai phạm của Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ đã được khẳng định bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, một số người tự nhận là Cổ đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Thăng Long (TIG) lại gửi văn bản tới Báo điện tử Xây dựng cho rằng “bài viết không đúng sự thật”.

Nhóm cổ đông này cho rằng: “Bài báo dựa vào Báo cáo số 66/BC-UBND ngày 3/4/2020 của UBND huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ hay một số nội dung trong Biên bản Thanh tra số 295/KL-TNMT ngày 19/02 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ để quy kết sai phạm tại dự án Vườn Vua là chưa đủ căn cứ pháp luật. Việc nhận định quy kết như vậy là hết sức mâu thuẫn bởi nếu UBND huyện Thanh Thủy kết luận là Công ty vi phạm về quy hoạch xây dựng hay vi phạm về tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì tại sao trong tất cả các cuộc kiểm tra, giám sát, xem xét tình hình thực hiện dự án của chính các cơ quan trên suốt nhiều năm qua lại không hề có nội dung nào lập biên bản và phạt xử lý vi phạm của Công ty và dự án Vườn Vua về các nội dung trên, mà trong khi đó chính UBND huyện Thanh Thủy là cơ quan cấp phép, phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/500 các lần cấp và điều chỉnh của dự án theo phân quyền của UBND tỉnh Phú Thọ, hay chính Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, hay cũng là đơn vị tham mưu trình UBND tỉnh Phú Thọ ra các quyết định về điều chỉnh ranh giới, điều chỉnh mục đích sử dụng đất của dự án và cũng chưa hề có quyết định nào xử phạt công ty vi phạm việc quản lý sử dụng đất???...”.

Có thể thấy, nhóm cổ đông này không hề thừa nhận Kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn có “ý” đẩy hết trách nhiệm về phía cơ quan quản lý Nhà nước. Văn bản Kết luận Thanh tra của một ngành thuộc tỉnh, mà nhóm cổ đông này còn cho rằng “chưa đủ căn cứ pháp luật”, thì không hiểu văn bản pháp luật nào mới có thể “thỏa mãn” nhóm cổ đông này?

Trở lại với Quyết định số 3223/QĐ-UBND do ông Hồ Đại Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký, cho phép Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long Phú Thọ chuyển mục đích hơn 108,000m2 sai phạm thành đất thương mại dịch vụ… Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng cần phải xem lại quy trình này.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Về nguyên tắc thì hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính, đồng thời bắt buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, một trong những điều kiện để được chuyển đổi mục đích sử dụng đất là phải không có vi phạm về đất. Vì vậy, việc Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long Phú Thọ bị Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận là vi phạm thì phải xem có đủ điều kiện hay không?

Luật sư Đặng Văn Cường cũng dẫn luật: Trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền (trừ trường hợp không phải xin phép) thì là trái với quy định pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định. Cụ thể Điều 11, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định: Chuyển đất nuôi trồng thủy sản sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tùy vào diện tích đất chuyển mục đích trái phép. Mức phạt cao nhất 200.000.000 đồng có thể áp dụng khi diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên.

Nếu chuyển đất nuôi trồng thủy sản sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt trên. Ngoài ra, trên đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm hoặc buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Một chuyên gia trong ngành Xây dựng cũng chung ý kiến với Luật sư Đặng Văn Cường: Khi doanh nghiệp vi phạm thì phải xử lý hành chính trước. Sau đó, căn cứ vào nguyện vọng của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp này xin chuyển đổi mà đủ điều kiện để chuyển đổi sử dụng mục đích đất thì chính quyền mới thực hiện các bước tiếp theo. Không thể coi chuyện vi phạm đã xảy ra là chuyện nhỏ, rồi bỏ qua, “hợp thức” cho họ, việc này sẽ tạo tiền lệ xấu cho các trường hợp khác…

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nam Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load