Thứ sáu 17/05/2024 13:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

SACA: Kiến nghị áp dụng công thức 7K + 3T để phòng, chống dịch Covid-19

10:23 | 05/08/2021

(Xây dựng) - Ứng phó với đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần chủ động nâng cấp “khẩu hiệu 5K” bằng “công thức 7K+3T” mới, chung sức gia tăng hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh giai đoạn then chốt này.

saca kien nghi ap dung cong thuc 7k 3t de phong chong dich covid 19
Công thức 7K+3T do Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.

“Công thức 7K+3T” - nâng cấp “lá chắn thép” chống dịch

Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất một số kiến nghị về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tại văn bản, SACA cho biết, từ khi làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại Việt Nam bắt đầu đến nay, dù đã nỗ lực vượt bậc và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, nhưng chúng ta đã gặp quá nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, hạn chế được dịch bệnh, do sự phức tạp, lan nhanh của biến thể mới nên dịch bệnh ngày càng bùng phát mạnh hơn tại Thành phố. Bên cạnh đó, tâm lý chung hiện nay của người dân Thành phố đa phần rất sợ vào những khu tập trung cách ly F1 và vào các bệnh viện điều trị F0.

Những ngày vừa qua, Chính phủ và chính quyền Thành phố đã có những văn bản chỉ đạo kịp thời như cho phép F0, F1 được cách ly tại nhà và có hướng dẫn cách thức chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người bị lây nhiễm Covid-19. Đồng thời, Chính phủ cũng đã có giải pháp tháo gỡ bớt khó khăn trong việc vận chuyển lưu thông hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp. Tuy nhiên, cần có phương án cụ thể đảm bảo hiệu quả cùng những hành động quyết liệt hơn mới có thể thay đổi cơ bản và thực sự kiểm soát được tình hình.

Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị mới của Thành phố thực tế đang làm tê liệt hầu hết các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động ngành Xây dựng nói riêng. Giải pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” chưa thể phát huy được ưu điểm; do doanh nghiệp hạn chế về tài chính, nguồn lực (kiểm soát việc ra vào của người lao động; thường xuyên phải xét nghiệm đối với lực lượng lao động: công nhân, bảo vệ, người quản lý… ), thiếu cơ sở vật chất (phục vụ chỗ ăn, ở cho người lao động theo tiêu chuẩn) và rất nhiều khó khăn khác.

Nếu vẫn áp dụng cách chống dịch theo phương án này, thời gian ngưng trệ các hoạt động kinh tế, sản xuất và lưu thông hàng hóa kéo dài một cách không xác định, trong khi chúng ta đã phải chấp nhận rủi ro lây lan do không còn kiểm soát triệt để F1, F0 được nữa, thì cả hai mục tiêu chúng ta đều không thể đạt được, CASA đánh giá.

Theo CASA, không thể dập dịch trong một thời gian ngắn khi không kiểm soát được 100% các F0, F1 mà không có sự thay đổi cơ bản về phương án phòng chống đại dịch. Phương châm “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” trong hoạt động sản xuất vừa qua cho thấy không đạt được mục tiêu dập dịch mà cũng không thể kìm hãm được đà lây lan của dịch bệnh do vẫn còn nhiều kẽ hở khiến cho việc hình thành nên những ổ dịch mới tại một số nhà máy lớn, mà nguồn lây là do từ bên ngoài và cả bên trong khu vực sản xuất.

saca kien nghi ap dung cong thuc 7k 3t de phong chong dich covid 19
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cần có phương án cụ thể đảm bảo hiệu quả cùng những hành động quyết liệt hơn để sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Từ thực trạng trên, CASA đề xuất người dân và doanh nghiệp cần phải chủ động và tích cực hơn trong việc phòng chống dịch bằng “Công thức 7K + 3T”. “Công thức 7K+3T” gồm “Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh” và 3T là “Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc”. SACA đánh giá, “công thức 7K + 3T” không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả. Về phía chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, cần có tài liệu hướng dẫn người dân thực hành 3T; đồng thời có đội ngũ hỗ trợ, giám sát việc thực hành 3T; đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn Thành phố.

Đồng thời, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng soạn thảo và công bố các hướng dẫn thực hành 3T để phổ biến rộng rãi cho người dân trong việc sớm tự phát hiện bệnh, tự cách ly, tự chăm sóc (3T). Cẩm nang 3T này cần thật rõ ràng, đầy đủ chi tiết nhưng dễ hiểu, dễ làm để người bệnh và gia đình cùng doanh nghiệp có thể thực hành 3T một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.

Tăng tốc tiêm chủng hướng tới miễn dịch cộng đồng

Bên cạnh đó, CASA cho rằng, thời gian vừa qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã có những nỗ lực rất lớn trong việc tiếp cận các nguồn vaccine nhập khẩu và thúc đẩy nhanh việc sản xuất vaccine trong nước. Tuy đã có những nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, nhưng việc triển khai công tác này vẫn chưa kịp thời đối phó với sự bùng phát quá nhanh của dịch bệnh và nhu cầu cấp bách, chính đáng của người dân.

saca kien nghi ap dung cong thuc 7k 3t de phong chong dich covid 19
Đẩy mạnh tiêm phòng để nhanh chóng đi đến miễn dịch cộng đồng và đạt được “mục tiêu kép”.

Từ thực trạng trên, CASA đề xuất phương án cụ thể để triển khai nhanh chóng công tác tiêm chủng, đó là áp dụng công nghệ thông tin để phân loại ba đối tượng được tiêm chủng (theo Bộ Y tế) gồm: Loại 1: Những người có sức khỏe và cơ địa bình thường, không có nguy cơ bị sốc phản vệ; Loại 2: Những người có nguy cơ bị sốc; Loại 3: Những người chống chỉ định tiêm chủng. Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Dữ liệu khai báo cần được số hóa và gửi về Trung tâm tiếp nhận thông tin y tế. Trung tâm này có chức năng tự động phân loại và phản hồi cho người dân biết mình thuộc nhóm đối tượng nào.

Theo đó, CASA kiến nghị, sử dụng các điểm tổ chức bầu cử tại các địa phương trên cả nước để làm điểm tiêm phòng là cách nhanh nhất để huy động nguồn lực sẵn có tại các điểm bầu cử trước đây. Mỗi điểm tiêm phòng chỉ cần huy động khoảng 5-7 người trước đây đã từng phục vụ cho công tác bầu cử để làm công tác tiếp nhận, sắp xếp, ghi chép, kiểm tra giấy tờ... Đồng thời huy động thêm từ 2-3 y tá để tiêm; 1 bác sỹ để kiểm tra sức khỏe người dân trước khi tiêm cũng như xử lý rủi ro sốc phản vệ ngoài dự đoán. Mỗi y tá có khả năng tiêm không dưới 100 mũi mỗi ngày. Mỗi điểm sẽ tiêm được từ 200-300 mũi mỗi ngày.

Mỗi quận cần từ 2-3 xe cấp đông để phân phối xuống các phường. Mỗi phường có ít nhất là 1 điểm tiếp nhận để vắc xin được phân phối xuống các điểm tiêm phòng trong vòng 2h kể từ khi vaccine được xuất kho, trong vòng 4h sẽ tiêm hết để đảm bảo không quá 6h theo tiêu chuẩn thời hạn của vắc xin sau khi được lấy ra khỏi kho cấp đông.

Ước tính mỗi khu phố có thể có 2-3 điểm bầu cử, tương đương 2 – 3 điểm tiêm chủng. Mỗi quận có từ 20 – 25 phường. Mỗi phường có 3 – 5 khu phố. Như vậy toàn thành phố với 18 quận và 1 thành phố trực thuộc sẽ có không dưới 2.000 điểm tiêm chủng. Mỗi điểm tiêm chủng không cần tập trung quá đông người, mà mỗi ngày tiêm khoảng 200 người/điểm tiêm chủng. Như vậy, mỗi tháng sẽ tiêm được 10.400.000 người. Theo phương án này, công tác tiêm chủng cho toàn bộ người dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được hoàn tất nội trong tháng 10/2021.

saca kien nghi ap dung cong thuc 7k 3t de phong chong dich covid 19

Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh:

“Thay vì dồn quá nhiều nguồn lực cho công tác dập dịch mà không đạt được mục tiêu. Chúng ta cần dành nguồn lực tốt nhất để phục vụ công tác tiêm chủng. Tiêm vaccine cần một phương án để triển khai càng nhanh càng tốt, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay chỉ có đẩy mạnh tiêm phòng thì mới có thể nhanh chóng đi đến miễn dịch cộng đồng và đạt được “mục tiêu kép”.

Khôi Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load