Thứ ba 05/11/2024 11:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Sắc hương mùa hạ

09:59 | 09/06/2022

(Xây dựng) – Lang thang trên con phố cũ, chợt thấy dịu dàng dưới chân một tấm thảm đầy những bông hoa sấu nhỏ xíu màu trắng ngà. Chợt thảng thốt nhận ra: Hình như mùa hạ đã trở về.

sac huong mua ha

Ôi chao là nắng hạ. Sao long lanh đến thế! Nắng rắc một thứ kim tuyến lên đám lá sấu còn non tơ trên phố Phan Đình Phùng, mơn trớn lũ hoa nhỏ tí e ấp trong vòm lá. Lũ hoa sấu ngơ ngác, chỉ cần gió dạo ngang qua là buông mình lả tả xuống vỉa hè thoáng rộng, rắc đầy một tấm thảm hoa đẹp đến nao lòng. Rón rén đặt bước chân, dường như sợ làm đau những bông hoa nhỏ nhoi ấy, lại chợt thấy như nhớ về một thời xưa lắm. Đoạn đường này, con phố này, đã từng có mấy gốc hoàng lan trong khu nhà tập thể kia, mùa hạ nào cũng nồng nàn mùi hương. Một hôm nào đó dỗi hờn, người trước kẻ sau, đóa hoàng lan ngọt ngào sẽ kéo lại một vòng tay ôm để hai kẻ yêu có cơ hội mà làm lành.

Dọc bờ sông Tô Lịch và đoạn Trúc Bạch đã bắt đầu lóe lên sắc đỏ của phượng đầu mùa. Rồi cháy lan ra cả đoạn dài chỉ trong mấy ngày, thứ sắc màu rừng rực đầy lưu luyến ấy. Giai điệu rền rã của lũ ve giống một bản nhạc kéo chùng xuống tâm trạng của lũ học trò cuối cấp. Để giữa mê say sắc đỏ và những dòng lưu bút bâng khuâng, bần thần nhìn lên cây bằng lăng trước cổng trường đã thấy ngan ngát một màu tím thương quá là thương. Nhớ một người chẳng còn ở lại Hà Nội, năm nào cũng hái cho ta một cành hoa cắm vào cái lọ nhỏ, đầu ngăn giường tầng kí túc. Mấy đứa trực cổng trường kiểu gì cũng kéo lại ngồi phòng bảo vệ để chất vấn về gã trai vừa leo lên con xe đạp lọc cọc. Màu tím của bằng lăng hoài vọng chờ đợi đến khi phai màu theo những cơn mưa rào bất chợt đổ xuống, tựa như bức thư tình nắn nót bằng mực học trò nhòe nhoẹt đi trong khi tạm biệt tuổi hồn nhiên. Áo dài bay trên những con phố dài đầy những tán bằng lăng tím ngắt lòa xòa như làm điệu cho bóng dáng một thiếu nữ nào đó trong bức ảnh kỷ niệm tuổi thanh xuân. Ta ru mình trong nỗi nhớ ngày xanh mỗi khi mùa hạ mang theo màu tím trở về, để rồi cứ thổn thức với kỷ niệm khi bất chợt nhìn thấy một đóa bằng lăng chơi vơi theo gió trong một buổi chiều mùa hạ oi ả hay một cơn mưa rào kéo đến rồi đi bất chợt.

Không đượm ưu tư như bằng lăng, những dãy muồng hoàng yến vàng rực reo vui trong gió hạ giống như cái tưng bừng, ồn ã vốn có của phố phường thời hiện đại. Thân muồng mềm mại buông những chùm hoa dài giống muôn ngàn chùm đèn phất phơ rực rỡ biết bao. Đẹp nhất là những khi hoa nở rộ, cả cây chỉ thấy một màu vàng. Cả dãy chỉ thấy rực lên đến chói mắt, đến độ ngẩn ngơ.

Vẫn là màu vàng, những cây hoa điệp lại mạnh mẽ vươn lên như dáng điệu cổ thụ của đám xà cừ. Điệp có ở khắp nơi trong nội thành cho đến ngoại thành Hà Nội. Nếu lạc đến phố Nguyễn Khánh Toàn, Trần Đăng Ninh, Hoàng Quốc Việt, đường bờ Hồ Tây, công viên Nghĩa Đô, công viên Thủ Lệ… từ tháng 5 đến tháng 8 ở Hà Nội sẽ chỉ thấy rợp trời sắc vàng tươi của hoa điệp. Bông hoa điệp chỉ nhỏ bằng chiếc cúc áo, từng chùm, từng chùm chĩa thẳng lên trời. Ắt hẳn đứng trên những dãy nhà cao tầng nhìn xuống, sẽ thấy cả tuyến phố chỉ một màu vàng xôn xao trong cái nắng hạ.

Và bạn ơi, Hà Nội ồn ào và oi bức thế, nhưng chỉ cần hoàng hôn vừa kéo xuống, xách xe chạy về mé hồ Tây sẽ tìm được ngay cái thư thái, dịu ngọt của hương sen. Những hồ sen đến mùa nở rộ đầy những đóa hồng tươi trên nền lá xanh mướt mắt. Sen có nhiều loại với nhiều màu sắc khác nhau nhưng có lẽ tôi yêu đặc biệt những đóa sen trắng tinh khiết của Hồ Tây. Màu trắng ấy, vừa thanh tao, vừa hư ảo, vừa như không vướng bụi trần gian. Ngắm nhìn nó những chiều lảng bảng mây trôi, sẽ thấy như lòng dạ rối bời của một ngày nặng nề được buông hết xuống. Và nếu thêm, một tách trà thoang thoảng hương sen để ngắm mặt trời lặn xuống phía bên kia hồ, hẳn sẽ là một cái thú thư giãn không gì sánh bằng.

Hà Nội vào hạ thật rồi. Nghe tiếng ve râm ran khắp lối thân quen mà lòng như bồi hồi đong thêm những xốn xang và những thương yêu. Tạm quên những bụi bặm phố phường, tạm quên những ồn ào của cuộc sống hiện đại, ta lãng du cảm xúc theo những sắc hương của Hà Nội, để thấy thì ra, Hà N ội muôn đời vẫn thế, luôn dịu dàng và lắm những mộng mơ.

Lê Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load