(Xây dựng) - Có chương trình truyền hình thực tế phát trên TV nói về phản ứng của người Hà Nội với “quốc nạn” bôi bẩn lên các bức tường. Tất nhiên chỉ là giả. Và với những việc làm không nghiêm trọng lắm. Diễn viên xách xô hồ đi dán quảng cáo lên những bức tường và cột đèn trong phố. Chỉ mon men ở những bức tường dân cư nhom nhoem xập xệ chứ cũng chưa dám bén mảng đến chốn thâm nghiêm công sở. Người Việt có tâm lí sợ hãi tránh xa chốn công quyền là thế. Chẳng cần phải bảo ban dọa dẫm gì nhiều.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Xét về không gian thẩm mĩ thì những bức tường chính là gương mặt của thành phố. Đẹp đẽ trang nghiêm hay lòe loẹt phản cảm là thứ nhìn thấy trước tiên. Dịu dàng nhã nhặn hay huênh hoang dị hợm cũng từ đấy mà ra. Thế nhưng thật kì lạ, nó luôn là lựa chọn số một cho việc bôi bẩn. Chuyện này không phải bây giờ mới có. Hình như nó đã bắt đầu từ lúc Hà Nội hình thành một đô thị bằng cách gộp những ngôi làng lại. Ngôi nhà của dân phố không còn được kiểm soát mặt ngoài như ngôi nhà ở làng nữa. Nó phải mang những bức tường ra đương đầu với bung xung thiên hạ. Cuốn sách “Kĩ thuật của người An Nam” do nhà khảo cứu người Pháp Henri Oger xuất bản từ 1909 tại Hà Nội có nhiều bức tranh khắc gỗ mô tả những bức tường với hình vẽ bậy bạ tục tĩu. Ngạc nhiên thay, những hình vẽ và chữ viết tục tĩu ấy bây giờ vẫn có thể bắt gặp ở vài bức tường Hà Nội. Đại khái như hình vẽ “cậu nhỏ” bên cạnh chiếc kéo có vài giọt máu rơi với dòng chú thích “Đái bậy cắt c…”. Và ở những di tích thắng cảnh thì không thể thiếu những đề từ mùi mẫn cho tình yêu và những hình vẽ minh họa thắm thiết trên mức đại chúng. Đọc ở trên tường chùa dòng chữ “Yêu anh mãi mãi!” cứ như nhan sắc nào đó đã quyết một lần “xuống tóc” nơi đây.
Không chỉ viết vẽ bậy lên tường. Việc ấy bây giờ phải cạnh tranh gay gắt với nghề quảng cáo. Tìm được một khoảng tường trống không có quảng cáo để vẽ bậy bây giờ chẳng phải chuyện dễ. Người ta tận dụng từng xăng-ti-mét mặt tiền để trương biển, lắp đèn quảng cáo cho những thứ bày bán bên trong. Những bức tường cao chót vót đầu hồi còn có thể cho thuê quảng cáo lâu dài. Cả thành phố lòe loẹt xanh đỏ như thách thức thẩm mĩ ôn hòa của dân phố. Bờ đê sông Hồng ghép mảnh gốm xanh đỏ như vườn trẻ. Những cửa hàng bán gas sơn đỏ sơn xanh toàn bộ mặt tiền theo thương hiệu của mình. Cửa hàng bán đồ thể thao Adidas thì dĩ nhiên màu đen. Có những ngôi nhà sơn vàng chóe mặt tiền chẳng biết bên trong bán gì?
Thời chiến tranh phái hoại, những bức tường trống trên phố dùng để kẻ khẩu hiệu yêu nước và treo áp phích tuyên truyền. Thay đổi theo từng chủ đề và những dịp kỉ niệm. Lúc ấy chưa có nhiều kỉ niệm riêng tư như bây giờ. Cả thành phố chung nhau vài kỉ niệm bằng cách viết khẩu hiệu lên tường. “Thi đua lập thành tích chào mừng ngày giải phóng Thủ đô 10 -10” chẳng hạn. Chỉ cần một xô vôi vàng quét đè lên đoạn cuối “… giải phóng Thủ đô 10-10” lại có thể biến thành khẩu hiệu tiếp theo “Thi đua lập thành tích chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12”.
Giờ thì không có chuyện tùy tiện kẻ khẩu hiệu lên tường nhà người ta như thế nữa. Hết tường, khẩu hiệu phải chăng ngang đường. Nhưng nội dung luôn là thách đố. Không bao giờ có đủ thời gian để đọc trên đường những khẩu hiệu vừa dài vừa bất ngờ như vậy. Khẩu hiệu tiết kiệm điện, cho con bú sữa mẹ, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Khẩu hiệu “Tuổi trẻ Thủ đô hành động để thành phố mãi xanh” nghe như lời ca khúc. Và cũng hơi có ý cạnh khóe tuổi già.
Một góc bình yên rêu phong tường cũ ngói nâu cứ chờn vờn đâu đó rất gần trong tâm thức người Hà Nội. Giá như mãi mãi nội dung chính của những bức tường trong phố chỉ là rêu phong mà thôi? Như nó đã từng…
Đỗ phấn
Theo