Thứ sáu 27/12/2024 04:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Quyền của người tố cáo và cơ chế bảo vệ người tố cáo

17:21 | 20/04/2017

(Xây dựng) - Theo Tiến sỹ Phạm Gia Yên, nguyên Chánh thanh tra Bộ Xây dựng,  Dự thảo Luật tố cáo sửa đổi, có mấy vấn đề cần trao đổi như sau:


Người dân tố cáo Chủ đầu tư vi phạm Hợp đồng (ảnh tư liệu Báo Xây dựng)

Thứ nhất: Về quyền của người tố cáo (Điều 9 của dự thảo). Trên tình hình thực tế hiện nay, tố cáo thường phát sinh dưới các dạng người khiếu nại nhưng chưa kịp thời được cấp có thẩm quyền giải quyết, thì người khiếu nại quay lại tố cáo người giải quyết khiếu nại, hoặc đã được giải quyết đúng pháp luật hiện hành, nhưng không đáp ứng được yêu cầu của người khiếu nại nên họ lại tố cáo người giải quyết, trường hợp này phổ biến đối với cá nhân đòi lại nhà đất bị cải tạo trong 2 cuộc cách mạng 1954 và 1975; khiếu nại về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đây là những cuộc tố cáo có danh, dai dẳng và kéo dài nhiều năm, nhiều thế hệ mà chúng ta đang phải chịu đựng. Lý do của vấn đề này là do Luật pháp của chúng ta quy định không thực tế, không đi vào cuộc sống, dẫn đến oan ức cho người dân như quy định nhà vắng chủ, giá bồi thường giải phóng mặt bằng…

Tố cáo nặc danh – dạng này phổ biến nhất, đây có lẽ là văn hóa, là thói quen của người Việt Nam, trong nặc danh có thể do ghen ghét, do mâu thuẫn cá nhân, sợ trù dập, loại tố cáo này thường có đúng có sai.

Tố cáo qua phương tiện thông tin đại chúng, qua báo chí, loại tố cáo này tuy có đúng có sai, nhưng việc giải quyết của các cấp có trách nhiệm thường nhanh chóng và có hiệu quả hơn, minh bạch hơn do có sức ép của công luận.

Tố cáo bằng lời nói thông qua trực tiếp với người có trách nhiệm hoặc qua những người có công việc liên quan, những hành vi bị tố cáo đó chưa phải là tội phạm…

Với một thực tế phong phú nhiều loại hình tố cáo và nhất là nghiên cứu đặc điểm về văn hóa việt nam, thói quen của người việt nam, Tôi cho rằng trong dự thảo Luật (như Điều 9) chỉ xác định quyền của người tố cáo “chính danh”, là chỉ điều chỉnh một loại hình tố cáo, e rằng chưa đủ và chưa giải quyết hết tình hình thực tiễn. Vấn đề này Ban soạn thảo cũng cần cân nhắc.

Qua quá trình xử lý, thông thường những dạng tố cáo nặc danh hoặc mạo danh nếu xem xét có cơ sở thì cá cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn tiến hành kiểm tra và xử lý (Luật tham nhũng cũng đã quy định vấn đề này) và thực tế qua kiểm tra các đơn thư nặc danh, chúng ta đã phát hiện được nhiều những vi phạm của những tổ chức và cá nhân, đồng thời còn thu hồi được tiền mà các tổ chức cá nhân vi phạm. đối với dạng tố cáo này, chúng ta lại không cần đến biện pháp bảo vệ người tố cáo. Như vậy dạng tố cáo mạo danh, nặc danh và tố cáo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là phổ biến cần được nghiên cứu với đặc điểm của Việt Nam để đưa vào các dạng tố cáo được pháp luật thừa nhận. Trường hợp tố cáo chính danh là rất hạn chế, trừ trường hợp người tố cáo đã bị dồn nén “vào chân tường”, thậm chí việc tố cáo là đúng và quyết định giải quyết tố cáo cũng đã công nhận việc tố cáo là đúng, song trên thực tế thì người tố cáo cũng không được bảo vệ công ăn việc làm, thậm chí còn bị cả tập thể xa lánh.

Tiến sỹ đồng tình  tình cao quy định tại điểm d Mục 2 Điều 9 “Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra theo quy định của pháp luật” việc quy định này là cần thiết để ngăn chặn tình hình lạm dụng trong việc tố cáo, tố cáo thuê. Trên thực tế có những vụ việc tố cáo người có thẩm quyền giải quyết đã giải quyết đúng pháp luật (như việc không trả lại nhà đã cải tạo) thì người khiếu nại lại tố cáo những người đã có thẩm quyền giải quyết, đơn từ gửi đi nhiều nơi và cơ quan giải quyết tố cáo lại tiếp tục nhận được nhiều chỉ đạo về việc xem xét, giải trình… gây mất thời gian và uy tín của người đã giải quyết. Chính vì vậy vấn đề này cần được hướng dẫn cụ thể trong trường hợp tố cáo sai sự thật thì cơ quan nào có trách nhiệm tuyên việc người tố cáo sai phải bồi thường thiệt hại? hình thức bồi thường thiệt hại có thể bằng tiền, có thể bằng công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ có chế tài chặt chẽ như vậy buộc người đi tố cáo sai phải thực hiện, thì tình hình tố cáo sai sự thật, tố cáo thuê mới có thể chấm dứt và việc tố cáo của công dân sẽ lành mạnh, đúng pháp luật và giúp cho việc ổn định xã hội.

Thứ hai: Cơ chế bảo vệ người tố cáo, (Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 48 và Điều 49).

Qua nghiên cứu cho thấy, với 5 Điều quy định về cơ chế bảo vệ người tố cáo như dự thảo là quy định rất đầy đủ và như vậy người tố cáo hoàn toàn an tâm để thực hiện công việc tố cáo của mình. Nhưng xét về góc độ thực tế thì điều này chỉ có thể xảy ra đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, người tố cáo và những người thân của họ là bằng chứng duy nhất để phục vụ công tác điều tra xét xử. Và cơ chế bảo vệ đó chỉ có Bộ Công an thì mới tổ chức thực hiện được, còn lại đối với các cơ quan khác khi ra Quyết định bảo vệ người tố cáo thì rất khó thực hiện. Ví dụ: Một vị Bộ trưởng khi ra một Quyết định bảo vệ người tố cáo thì các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo như cơ quan công an, các cơ quan khác như dự thảo quy định là khó thực hiện. Như vậy nên chăng dự thảo cần quy định rõ là cơ quan công an nào? cấp phường, cấp quận, cấp thành phố … và trong trường hợp các cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ người tố cáo không triển khai bảo vệ, hoặc bảo vệ không hết trách nhiệm mà người tố cáo bị trả thủ thì trách nhiệm đến đâu? Nếu không quy định được như vậy, thì sẽ không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo khi có quyết định của người có thẩm quyền, đặc biệt những người đó lại là những người ở cơ quan dân sự.

Trong trường hợp, người thân của người tố cáo công tác ở các cơ quan khác, vậy thì người có thẩm quyền cơ quan khác là ai? Trong trường hợp người có thẩm quyền của cơ quan khác mà có người thân của người tố cáo bị trả thù, bị ảnh hưởng về sức khỏe, tài sản, tính mạng thì ai chịu trách nhiệm, cũng cần phải quy định rõ, thì Luật mới đi vào cuộc sống.

Tiến sỹ đề xuất:  từ Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49 quy định rất cụ thể, nhưng chồng chéo. Mà chỉ nên viết thành 2 Điều:

Ví dụ: Điều 45 quy định về bảo vệ người tố cáo, trong đó có các quy định về: bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng, công tác, điều kiện sống…của người tố cáo.

Điều 45a quy định: bảo vệ người thân của người tố cáo. Vấn đề này đã có giải thích từ ngữ, chẳng hạn: người thân là vợ là chồng là con, nhưng cũng cần bổ sung thêm họ còn là những người cùng tham gia cung cấp tài liệu tố cáo. Những người này dù là ai, làm việc ở đâu, là cán bộ, công chức, viên chức, hay là hợp đồng (như trong dự thảo) thì cũng đều phải được bảo vệ về tài sản, sức khỏe, danh dự, công việc để tránh bị trả thù. Quy định gộp như vậy là rõ ràng hơn và cũng đầy đủ, không cần tách ra từng dạng người như dự thảo đã nêu (là cán bộ, công chức, viên chức, người làm hợp đồng….).

Quan trọng hơn, như đã nêu ở trên là quy định cụ thể cơ quan nào phải có trách nhiệm bảo vệ người thân của người tố cáo, trong trường hợp không bảo vệ, hoặc thực hiện bảo vệ không hết trách nhiệm mà những người thân của người tố cáo bị trả thù, ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe, thậm chí là tính mạng thì pháp luật xử lý cơ quan này như thế nào. Nếu không quy định rõ thì cơ chế bảo vệ người thân của người tố cáo cũng không có tác dụng.

Liên quan đến chế tài đối với tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Điều 58 áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, dự thảo nêu ra các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương… đối với một loạt hành vi vi phạm, Tiến sỹ cho rằng không ổn, Điều này nên viết thật ngắn gọn, quy định mang tính Luật khung, còn từng hành vi vi phạm phải được quy định bằng một Nghị định cụ thể, rõ ràng, phù hợp với các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và Luật hình sự. Ví dụ: Trên thực tế người có thẩm quyền chỉ cần vi phạm một hành vi như tiết lộ thông tin về họ tên người tố cáo, nội dung tố cáo thì có thể lập tức người tố cáo đã bị trả thù mà cơ quan có thẩm quyền chưa kịp giải quyết, chưa kịp có cơ chế bảo vệ. Tùy theo nội dung tố cáo người tố cáo có thể bị lập tức đe dọa, trả thù, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, thậm chí là tính mạng thì làm sao người tiết lộ lại chỉ bị phê bình, hoặc cảnh cáo? Hành vi này có thể cấu thành tội phạm và xử lý theo Luật hình sự. Một số hành vi khác cũng tương tự như vậy.

Thu Hiền (ghi)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load