Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch tổng thể đa ngành, liên ngành, liên tỉnh với định hướng quy hoạch đúng đắn và đặt tiền đề cho quy hoạch các vùng khác.
Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam - Ảnh VGP/Thùy Dung |
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là Quy hoạch tích hợp cấp vùng lần đầu tiên được thực hiện trong cả nước, trong đó đề ra các giải pháp dựa vào thiên nhiên và cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm để phát triển xanh, bền vững và thích ứng với khí hậu.
Quy hoạch tập trung đặc biệt vào việc phát triển và kết nối giữa 8 trung tâm đầu mối trong khu vực, trong đó trung tâm đầu mối lớn nhất đặt tại thành phố Cần Thơ. Các trung tâm sản xuất nguyên liệu, chế biến thực phẩm và cung cấp thông tin sẽ được đặt tại các tỉnh trọng điểm khác.
Mỗi trung tâm đầu mối hoạt động chuyên biệt phục vụ cho sản xuất, chế biến, hậu cần và cung cấp thông tin, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ khu vực.
Quy hoạch đóng vai trò như một khuôn khổ tổng thể hướng dẫn việc lập kế hoạch, quản lý và đầu tư của 13 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL nhằm đảm bảo tính cộng hưởng và phát triển bổ sung vì lợi ích của người dân tại khu vực này.
Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, ĐBSCL rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Đây là nơi sinh kế của hơn 17 triệu người, cung cấp 65% sản lượng nuôi trồng; 60% lượng cá xuất khẩu; gần 70% lượng trái cây và 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, khu vực này cũng là một trong những vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu nhất trên thế giới như nước biển dâng, xâm ngập mặn và sụt lún. Do đó, Việt Nam cần quan tâm khẩn cấp đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước tại khu vực này.
Vì nguồn nước và các vùng hệ sinh thái nước đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và sinh kế của 17 triệu người dân và sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, kinh tế nông nghiệp cần dựa trên ba tiểu vùng sinh thái nước bao gồm: Tiểu vùng nước ngọt vùng thượng nguồn gần Campuchia; tiểu vùng nước lợ, giữa thượng nguồn và ven biển; và tiểu vùng nước mặn là vùng ven biển (các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang).
Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy chế biến chuyên sâu
Theo bà Caitlin Wiesen, là 1 trong 5 châu thổ sông lớn nhất thế giới với tính đa dạng sinh học phong phú, ĐBSCL đóng góp đáng kể vào an ninh lương thực của khu vực và thế giới.
ĐBSCL được ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và khu vực này có thể trở thành trung tâm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao khi Quy hoạch này được thực hiện hiệu quả.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP cho rằng, điều quan trọng là cần có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, bộ, ban, ngành để đảm bảo sự phát triển đồng tâm hiệp lực giữa 13 địa phương tại ĐBSCL.
Thêm vào đó, khu vực này cần tìm cách thu hút nhân tài, lực lượng lao động trẻ làm việc và đóng góp phát triển kinh tế địa phương. Các trung tâm đầu mối cần có khả năng cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế và cơ hội việc làm có chất lượng ngang bằng với các thành phố khác.
"Việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại ở ĐBSCL là điều đáng khích lệ. Vì vậy, sản xuất các sản phẩm có chất lượng và tập trung vào chế biến sâu quan trọng hơn là việc gia tăng số lượng sản phẩm", bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Các hoạt động phát triển tại ĐBSCL cần phải được đánh giá mức độ rủi ro kỹ lưỡng. Việc phát triển kinh tế khu vực thượng nguồn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự phát triển thiếu đồng bộ trong vùng đồng bằng đang đặt ra những thách thức ngày càng tăng đối với sự phát triển bền vững ở ĐBSCL.
Một số dẫn chứng đưa ra là khu vực này đang bị sụt lún vì khai thác nước ngầm, khai thác cát và thiếu lượng phù sa do các hồ chứa ở thượng nguồn. Do vậy, các biện pháp khẩn cấp phải được thực hiện để giảm thiểu rủi ro và tác động lên khu vực này.
Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc cải thiện hệ thống logistics và vận tải trong vùng ĐBSCL thông qua việc phát triển 8 trung tâm đầu mối song hành với việc kết nối khu vực này với các tỉnh và khu vực lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi có các cảng biển nước sâu để kết nối với các thị trường quốc tế.
Thêm vào đó, công nghệ, giải pháp kỹ thuật số, đổi mới cũng cần thiết để nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy chế biến chuyên sâu tại khu vực.
Liên quan tới các hỗ trợ của UNDP dành cho khu vực ĐBSCL, bà Caitlin Wiesen cho biết, UNDP đã và đang tập trung vào việc tham gia và mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng địa phương.
Phía UNDP đã hỗ trợ trồng và phục hồi hơn 3.200 ha rừng ngập mặn ở tỉnh Cà Mau và sẽ xây dựng 500 ngôi nhà kiên cố tại tỉnh này cũng như thành lập các trung tâm cộng đồng tại khu vực này.
UNDP đang làm việc với chính quyền và cộng đồng địa phương về xây dựng các mô hình canh tác thích ứng với khí hậu và chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững nhằm cải thiện sinh kế và thu nhập cho các hộ nghèo và cận nghèo.
Trong thời gian tới, UNDP sẽ làm việc với chính quyền cấp tỉnh và cộng đồng để tăng cường sự phát triển bền vững của kinh tế đại dương, bao gồm hỗ trợ quy hoạch không gian biển, có tính đến tiềm năng năng lượng tái tạo và các mô hình nông nghiệp chuyển đổi.
Theo Thùy Dung/Baochinhphu.vn