Thứ bảy 21/12/2024 21:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Quy hoạch thăm dò, khai thác cát sỏi làm VLXD thông thường

22:20 | 18/08/2017

(Xây dựng) - Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1861/BXD-VLXD gửi Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa về việc Quy hoạch thăm dò, khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.


Ảnh minh họa.

Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu Sở Xây dựng Thanh Hóa cần bổ sung các nội dung cần thiết và căn cứ pháp lý vào Quy hoạch như: Quy hoạch thăm dò, khai thác cát sỏi phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ và phù hợp với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng, đô thị, hạ tầng, giao thông để đảm bảo không chồng chéo giữa các quy hoạch.

Xác định rõ vai trò, vị trí Quy hoạch thăm dò, khai thác cát sỏi đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 so với các ngành khác. Đồng thời, việc thăm dò, khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với các quy hoạch tổng thể phát triển VLXD tỉnh.  Bổ sung Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 09/6/2017 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2017, trong đó đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng ở một số địa phương, giải pháp sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên; văn bản số 269/TB-VPCP ngày 15/6/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi.

Các nội dung lập quy hoạch cần bám sát các quy định tại khoản 3, Điều 20, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ và Điều 11, Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Ngoài ra những nội dung đã đánh giá trong phần hiện trạng quy hoạch, đề nghị bổ sung một số nội dung: Bổ sung nội dung đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản (công tác quản lý, cấp phép theo quy hoạch đã phê duyệt, việc ban hành các quy định, quy chế quản lý hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn, việc thanh tra, kiểm tra định kỳ sau khi cấp phép và công tác bảo vệ môi trường).

Bổ sung đánh giá xu hướng sử dụng các loại vật liệu thay thế, tính toán xác định nguồn vật liệu thay thế có trên địa bàn (như cát nghiền, tro xỉ nhiệt điện, đất cát thải từ khai thác mỏ quặng…) có khả năng thay thế cát tự nhiên. Trên cơ sở đó tính toán lựa chọn nhu cầu khai thác cát sỏi xây dựng hợp lý, cụ thể như: Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 công suất 600 MW đang hoạt động. Dự kiến 2019, nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 công suất 1.200 MW đi vào hoạt động, nhiệt điện Công Thanh công suất 600 MW. Khi các nhà máy đi vào hoạt động thì lượng tro xỉ sẽ thải ra hàng triệu tấn, do đó việc việc sử dụng tro, xỉ thay thế cát tự nhiên trên địa bàn là cần thiết.

Tỉnh Thanh Hóa có nguồn đá vôi có thể tận dụng làm cát nghiền, do đó cần tính toán sử dụng cát nghiền để thay thế cát tự nhiên, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản, giảm bớt áp lực nhu cầu cát xây dựng.

Quan điểm và mục tiêu quy hoạch: Bổ sung quan điểm Quy hoạch thăm dò, khai thác cát sỏi làm VLXD thông thường phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, sử dụng tối đa nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên, không sử dụng cát tự nhiên cho san lấp. Bổ sung một số mục tiêu cụ thể: Số liệu cụ thể việc giảm nhu cầu sử dụng cát tự nhiên, tăng cường khuyến khích sử dụng cát nghiền, vật liệu thay thế theo các mốc thời gian từng năm 2020, 2025, 2030 và 2035. Bổ sung bảng cân đối cung cầu cho từng chủng loại cát tự nhiên và vật liệu thay thế.

Ngoài ra trong định hướng cát xây dựng thì cần tổ chức xắp xếp lại các khu vực khai thác cát có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tác động tới môi trường, thực hiện đấu giá công khai các mỏ cát xây dựng.

Đối với cát nghiền từ đá xây dựng cần rà soát những cơ sở khai thác đá xây dựng hiện có, khuyến khích các cơ sở khai thác, chế biến đá xây dựng tận dụng nguồn đá mạt thay thế cát tự nhiên cho sản xuất vữa và sản xuất gạch không nung, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.

Cát san lấp và vật liệu thay thế thì không quy hoạch mới các điểm khai thác cát dùng cho san lấp, phải sử dụng những loại vật liệu phế thải tro xỉ sẵn có từ nhà máy nhiệt điện thay thế nhu cầu cát làm vật liệu san lấp. Tính toán bổ sung khối lượng đất đá thải từ các cơ sở khai thác chế biến quặng, vật liệu thải từ các cơ sở công nghiệp thay cho nhu cầu cát tự nhiên làm vật liệu san lấp.

Ngoài ra, cần bổ sung các giải pháp và tổ chức thực hiện theo yêu cầu của Bộ Xây dựng tại văn bản số 1421/BXD-VLXD ngày 22/6/2017 đề nghị các địa phương tính toán cân đối cung cầu cát xây dựng và vật liệu san lấp, sử dụng vật liệu thay thế có sẵn tại địa phương, hạn chế sử dụng cát tự nhiên dùng để san lấp, sử dụng cát tự nhiên có hiệu quả, tiết kiệm đặc biệt sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa xây trát thay thế cát tự nhiên; sử dụng các vật liệu khác thay thế cát sông làm vật liệu san lấp.

Đoan Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load