Chủ nhật 12/01/2025 08:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quy hoạch phân khu Bắc Ninh: Bản giao hưởng giữa hiện đại và truyền thống

15:14 | 06/08/2024

(Xây dựng) – Quy hoạch phân khu đô thị Bắc Ninh không chỉ hướng đến hiện đại hóa hạ tầng và kiến trúc mà còn chú trọng nâng cao chất lượng sống, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Kinh Bắc, tạo nên bản giao hưởng hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Quy hoạch phân khu Bắc Ninh: Bản giao hưởng giữa hiện đại và truyền thống
Quy hoạch phân khu đề cao việc bảo tồn di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian và các giá trị văn hóa phi vật thể.

Hài hòa giữa phát triển và giữ gìn di sản vùng Kinh Bắc

Bắc Ninh đang triển khai các quy hoạch phân khu đô thị, không chỉ tập trung vào hạ tầng và kiến trúc hiện đại mà tỉnh này còn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Kinh Bắc.

Chia sẻ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch phân khu, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng đánh giá: "Quy hoạch phân khu không chỉ là một bản vẽ kỹ thuật mà còn là tầm nhìn chiến lược về phát triển toàn diện, đặt chất lượng cuộc sống của người dân lên hàng đầu". Theo đó, quy hoạch phân khu đề cao việc bảo tồn di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian và các giá trị văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh bảo tồn văn hóa, Bắc Ninh cũng đặt mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu. Các giải pháp phát triển bền vững được tích hợp vào mọi khía cạnh của quy hoạch, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên hiệu quả, bảo vệ môi trường đến việc xây dựng cộng đồng bền vững. Cụ thể, tỉnh đang ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió; áp dụng các biện pháp quản lý tài nguyên hiệu quả và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Tại phiên họp chuyên đề về quy hoạch phân khu ngày 12/3, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đã nhấn mạnh yêu cầu đặt yếu tố bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lên hàng đầu trong các quy hoạch. Các đồ án quy hoạch phân khu được xem là công cụ quan trọng để Bắc Ninh hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thúc đẩy kinh tế, bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Kinh Bắc.

Quy hoạch phân khu Bắc Ninh: Bản giao hưởng giữa hiện đại và truyền thống
Mô hình làng đô thị kết hợp yếu tố làng quê và đô thị để tạo ra môi trường sống hài hòa, bền vững cũng là một trong những điểm nhấn trong đồ án quy hoạch phân khu đô thị Bắc Ninh do Viện Quy hoạch Kiến trúc Bắc Ninh thực hiện.

Bản giao hưởng giữa di sản văn hóa và phát triển kinh tế

Vùng đất Kinh Bắc - Bắc Ninh, nổi tiếng với những làn điệu quan họ mượt mà với bề dày lịch sử văn hóa, đang khẳng định hướng đi đúng đắn khi kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế.

Năm 2022, Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết 71-NQ/TU, một văn bản quan trọng định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030. Nghị quyết tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác này.

Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được củng cố và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng.

Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Quan họ Bắc Ninh, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các hoạt động quảng bá quan họ trong và ngoài nước được đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế của Bắc Ninh trên bản đồ văn hóa thế giới.

Bắc Ninh nhận thức rõ rằng bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm mà còn là động lực cho phát triển kinh tế. Tỉnh đã chủ động lồng ghép các giá trị văn hóa vào các sản phẩm du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian, ẩm thực địa phương... đều trở thành những điểm đến hấp dẫn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Văn hoá xã hội - HĐND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 71/NQ-TU được triển khai sâu rộng đến toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã tạo sự chuyển biến về nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong sự phát triển bền vững; các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương đã bám sát nhiệm vụ, giải pháp và nội dung kế hoạch của UBND tỉnh, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, ban, ngành, địa phương.

Các nhóm chỉ tiêu của Nghị quyết 71/NQ-TU đều được các đơn vị, địa phương trong tỉnh phối hợp triển khai thực hiện bước đầu đạt kết quả; chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân từng bước được nâng cao. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá dân ca Quan họ Bắc Ninh trong nước và nước ngoài tiếp tục được triển khai.

Kết quả cho thấy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát huy được những truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.

Quy hoạch phân khu Bắc Ninh: Bản giao hưởng giữa hiện đại và truyền thống
Bắc Ninh - nơi hội tụ của 140 làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ, đồ gỗ Đồng Kỵ.

Nơi di sản văn hóa thăng hoa cùng du lịch bền vững

Không chỉ tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, Bắc Ninh còn chú trọng khai thác tiềm năng du lịch đặc sắc, biến vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc thành điểm đến hấp dẫn.

Được mệnh danh là "vùng đất trăm nghề, ngàn lễ hội", Bắc Ninh sở hữu số lượng di tích lịch sử văn hóa nhiều nhất cả nước. Những ngôi đình, chùa cổ kính cùng 547 lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân gian đã thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Không chỉ có vậy, Bắc Ninh còn là cái nôi của 140 làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ, đồ gỗ Đồng Kỵ... bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc như tuồng, chèo, hát trống quân và đặc biệt là dân ca quan họ - di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận - càng làm tăng thêm sức hút của vùng đất này.

Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch, Bắc Ninh đã công nhận 14 điểm du lịch cấp tỉnh, trải rộng trên địa bàn các thành phố, thị xã và huyện cụ thể: 3 điểm thuộc thành phố Bắc Ninh; 3 điểm thị xã Thuận Thành; 3 điểm thành phố Từ Sơn; 3 điểm huyện Gia Bình; 1 điểm huyện Tiên Du và 1 điểm huyện Yên Phong. Đây là những điểm đến nổi bật, kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, di tích lịch sử và các hoạt động văn hóa truyền thống.

Để thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Trưởng ban Văn hoá xã hội HĐND tỉnh Bắc Ninh thông tin, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm: Một là, tập trung quy hoạch và đầu tư hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch bền vững.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong Đề án 406/QĐ-UBND ngày 19/9/2022 về phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch Bắc Ninh, đảm bảo đồng bộ phát triển du lịch tỉnh.

Ba là, đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, di sản văn hóa với xúc tiến du lịch. Tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với chuyển đổi số.

Bốn là, quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch. Phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ giá trị di sản văn hóa tiêu biểu như dân ca Quan họ Bắc Ninh, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, các Bảo vật quốc gia, các di tích quốc gia tiêu biểu, lễ hội, làng nghề truyền thống...

Bắc Ninh không chỉ đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng để thu hút du khách mà còn hướng đến phát triển du lịch bền vững, gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc. Du khách đến đây sẽ có cơ hội trải nghiệm trọn vẹn từ chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, tham gia lễ hội truyền thống, hòa mình vào cuộc sống làng quê yên bình đến khám phá các làng nghề thủ công và thưởng thức ẩm thực địa phương đặc sắc.

Nguyên Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load