Thứ sáu 27/12/2024 08:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quy hoạch kiến trúc nông thôn: Cần một cái nhìn đồng bộ

15:57 | 05/04/2017

(Xây dựng) – Nói đến kiến trúc nông thôn Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến những ngôi nhà mái ngói, đá ong được xây dựng theo hình xương cá với kiến trúc cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, gắn liền với các phong tục tập quán của người dân. Theo dòng chảy của xã hội hiện đại thì kiến trúc nông thôn Việt Nam cũng đã có nhiều biến đổi và đang bị buông lỏng.


Ngõ làng Cựu, một kiến trúc cổ xưa đang dần bị quên lãng.

Trải qua bao cuộc chiến tranh, kiến trúc nông thôn Việt Nam đã bị tàn phá rất nhiều, nhưng từ đống đổ nát đó, kiến trúc nông thôn đã bắt đầu nhanh chóng thay đổi. Chính vì sự thay đổi nhanh chóng và tự phát đó nên kiến trúc nông thôn trở nên lộn xộn, mạnh ai người đó xây, người thích kiến trúc Tây Âu thì xây kiểu Tây Âu, người thích kiểu Trung Quốc thì xây theo kiểu Trung Quốc. Như vậy, vô hình trung kiến trúc nông thông như một “nồi lẩu thập cẩm”. Những ngôi nhà mái ngói dần mất đi, tường gạch nung, đá ong dần mai một, thay vào đó là những ngôi nhà bê tông khô cứng.

Trong Nghị quyết 24/2008/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW đã nêu rõ (các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các quy hoạch tổng thể, rà soát các quy hoạch hiện có trình các cấp thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát thực hiện quy hoạch) và đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì các nội dung về triển khai công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm gần đây, phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn giành được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương chính sách đã được ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Cơ cấu kinh tế nông thôn có sự chuyển biến rõ nét; xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; thu nhập bình quân của hộ nông dân tăng; cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng bước được cải thiện; các cơ sở giáo dục, y tế, dịch vụ, thương mại, văn hoá, thể thao đã được hoàn thành cơ bản; đời sống kinh tế - văn hoá khu vực nông thôn (nhất là vùng đồng bằng) đã có nhiều tiến bộ; quan hệ sản xuất trên cơ sở phát triển kinh tế tập thể nhằm hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ và cộng đồng trong phát triển kinh tế vẫn tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên, phát triển nông thôn nước ta hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp về cơ bản là sản xuất nhỏ, tư tưởng tiểu nông vẫn còn trong đại bộ phận nông dân. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, hiệu quả chưa cao, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ. Thu nhập của nông dân thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi ngày càng lớn. Cơ cấu lao động chuyển đổi chậm, lao động nông thôn thiếu việc làm, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động thấp, tình trạng thất nghiệp đang là mối đe dọa lớn ở nông thôn. Việc cấp đất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ mới còn tùy tiện, không theo khu, cụm tập trung dẫn đến hậu quả không chỉ lãng phí đất, làm tăng giá thành xây dựng mà còn gây ô nhiễm tới đời sống và những vùng sản nông nghiệp lân cận, cản trở xây dựng nền nông nghiệp xanh và sạch.

Cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém và không đồng bộ, cả về hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng đầu mối cũng như trong điểm dân cư. Kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế theo hướng phát triển thương mại dịch vụ và công nghiệp hoá khu vực nông thôn; thiếu các công trình công cộng, dịch vụ liên vùng; cơ cấu hạ tầng liên vùng nối kết giữa các thị trấn, giữa thị trấn với khu vực nông thôn nhìn chung còn yếu kém, thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cấp, thoát nước, cấp điện và chiếu sáng; tại nhiều vùng thiếu nguồn nước hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Hiện nay nhiều nơi việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn chủ yếu được xem xét đáp ứng nhu cầu trước mắt và nhanh chóng bị lạc hậu trong quá trình phát triển.

Việc đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn còn mang tính chắp vá, thiếu đồng bộ, nguồn lực bị chia sẻ, phân tán nên hiệu quả không cao; đầu tư dản trải không phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục, tập quán, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng điểm dân cư cụ thể còn rất tuỳ tiện, mang nặng tính tự phát và làm xuống cấp môi trường ở điểm dân cư, đặc biệt những khu vực có tốc độ đô thị hoá cao như khu vực ven đô, làng nghề; sự không nhất quán trong sử dụng đất xây dựng, trong bố trí xây dựng các công trình công cộng trong các điểm dân cư (khu vực có điều kiện tự nhiên, xã hội, kinh tế tương tự nhau); sự phát triển không hợp lý các điểm dân cư trung tâm xã.

Xây dựng nhà ở dân cư phát triển tự phát, kiến trúc thiếu trật tự và thường rập khuôn theo kiểu kiến trúc đô thị, cảnh quan môi trường sinh thái bị phá vỡ và hủy hoại, nét văn hóa truyền thống (thể hiện qua kiến trúc và nếp sống) của các dân tộc dần bị mai một. Xây dựng nhà ở mật độ cao với các kiểu nhà đô thị do hạn chế về điều kiện đất ở. Điều này không thể làm cho sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn gần lại, mà chỉ tạo cho khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng cách biệt xa hơn, không ít khu vực nông thôn hiện đang đánh mất ưu thế của mình so với khu vực đô thị về mặt môi trường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng chủ yếu là do thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu quy chế quản lý và chế tài đủ mạnh trong thực hiện quy hoạch, sự yếu kém về trình độ quản lý của cán bộ.

Có rất nhiều đề án về quy hoạch kiến trúc nông thôn đã chỉ rõ ra như vậy, nhưng để thực hiện được nó thì cần một cái nhìn tổng quát, đồng bộ và nghiêm khắc từ các cấp quản lý từ Trung ương cho tới địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần những nhà quản lý, kiến trúc sư, các nhà quy hoạch có tâm và có tài, có lòng yêu nghề góp ý, định hướng để tránh tình trạng xây dựng tự phát, mạnh ai người đó xây như ở nông thôn hiện nay.

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load