Thứ sáu 06/12/2024 12:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Quy định người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam không ảnh hưởng đến chính sách nhà ở khác

09:21 | 19/06/2023

(Xây dựng) – Mới đây, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến tại Tổ Đại biểu Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) có liên quan đến chính sách sở hữu nhà ở. Bộ Xây dựng đã giải trình và cung cấp thêm thông tin về quy định sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Quy định người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam không ảnh hưởng đến chính sách nhà ở khác
Quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam không làm ảnh hưởng đến các chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà cho người có thu nhập thấp.

Trước đó, trong đợt 1 Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 22/5 đến 10/6), tại các Tổ, Đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận về một số quy định có liên quan đến việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Có một số ý kiến đề nghị xem xét quy định về điều kiện, số lượng, loại nhà ở được sở hữu, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng.

Một vài ý kiến lại cho rằng, cần rà soát quy định về đối tượng cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm bảo đảm thống nhất với quy định về đối tượng sử dụng đất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2008, chính sách về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được nhắc đến trong Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội. Sau đó, tiếp tục được quy định cụ thể, bổ sung tại Luật Nhà ở 2014 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội lần này cũng đã kế thừa các quy định từ Luật Nhà ở 2014. Trong đó điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân người nước ngoài là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo thống kê cho thấy, từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực cho đến nay số lượng nhà ở mà người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là không lớn (chỉ khoảng 3.000 căn, chủ yếu là căn hộ chung cư tại các dự án phát triển nhà ở thương mại) không ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở hiện hành và nay là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã quy định chặt chẽ về loại nhà, khu vực được mua, số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu. Cụ thể: chỉ được mua nhà ở thương mại trong các dự án không thuộc khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng và chỉ được mua không vượt quá 30% căn hộ trong một tòa nhà, hoặc 250 căn nhà riêng lẻ trên 1 đơn vị hành chính có số dân tương đương cấp phường...

Chính vì vậy, quy định đưa ra trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước (như chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị).

Mặt khác, Nghị quyết số 18/NQ-TW cũng không đề cập đến quy định này, do đó, Bộ Xây dựng đề nghị được giữ nguyên quy định tại dự thảo để tiếp tục chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Xây dựng dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu về việc rà soát quy định đối tượng cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để thống nhất với đối tượng có quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai, nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo chương trình dự kiến, đợt 2 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ bắt đầu từ ngày 19/6.

Hà Khánh

Theo

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load