Thứ sáu 10/01/2025 09:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

19:06 | 30/11/2024

(Xây dựng) - Chiều 30/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo kết quả biểu quyết, có 443/454 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành.

Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại phiên họp chiều 30/11. (Ảnh: Quốc hội)

Báo cáo tóm tắt tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Lê Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; việc đầu tư Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất với đa số ý kiến các vị ĐBQH về sự cần thiết đầu tư Dự án. Thực tế Dự án đã được nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư trong thời gian khá dài (khoảng 18 năm) và tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia có phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó đã phân tích, tính toán với kết quả dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực, vị thế Việt Nam hiện nay là điều kiện thích hợp để triển khai đầu tư Dự án.

Cơ quan có thẩm quyền đã thảo luận rất kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, các yếu tố, điều kiện để triển khai Dự án. Tuy nhiên, các tính toán tại bước nghiên cứu tiền khả thi mới chỉ mang tính sơ bộ, do đó đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi Dự án, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tính toán cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, rủi ro để có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi cho Dự án.

Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, có ý kiến đề nghị bổ sung phạm vi Dự án kéo dài từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau và phân kỳ thực hiện theo từng giai đoạn; đề nghị kết nối Dự án vào tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ để bảo đảm đồng bộ.

Theo UBTVQH, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển các tuyến đường sắt mới từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, gồm 3 đoạn tuyến: Lạng Sơn (Đồng Đăng) - Hà Nội, Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ để kết nối các vùng động lực, các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án, một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả tài chính, nhất là khả năng thu hồi vốn, khả năng hoàn trả vốn và việc trợ giá cho Dự án trong quá trình vận hành, khai thác.

Theo UBTVQH, Chính phủ đã tính toán các lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp rất lớn nhưng không thể tính toán vào nguồn thu và hiệu quả tài chính Dự án. Trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện, do đó Nhà nước cần hỗ trợ một phần từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho hệ thống đường sắt như hiện nay để bảo trì kết cấu hạ tầng…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá đầy đủ hơn về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn cho từng giai đoạn của Dự án để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; đề nghị bổ sung đánh giá kỹ lưỡng về tác động của việc đầu tư Dự án đến bội chi ngân sách nhà nước, nợ công và khả năng trả nợ của ngân sách trong trung và dài hạn.

Dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn, khả năng cân đối vốn, bố trí vốn để thực hiện Dự án, cụ thể: giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn cho Dự án khoảng 538 tỷ đồng (sử dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư) đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải; giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 841.707 tỷ đồng và giai đoạn 2031 - 2035, nhu cầu vốn khoảng 871.302 tỷ đồng.

Liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án, nhiều ý kiến cho rằng, Dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho Dự án thì việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết.

UBTVQH thống nhất với ý kiến các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong việc áp dụng triển khai thực hiện Dự án.

Đồng thời, giao Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách này. Trong quá trình thực hiện, trường hợp tiếp tục cần phải bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện, Chính phủ sẽ trình Quốc hội, UBTVQH xem xét quyết định…

Đan Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load