Chủ nhật 12/01/2025 19:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quảng Trị: Xây dựng Tà Rụt thành khu đô thị mới đa ngành, đa lĩnh vực

10:55 | 30/11/2024

(Xây dựng) – HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết về việc cho ý kiến về đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đến năm 2045, xây dựng Tà Rụt thành khu đô thị mới đa ngành, đa lĩnh vực.

Quảng Trị: Xây dựng Tà Rụt thành khu đô thị mới đa ngành, đa lĩnh vực
Đến năm 2045 sẽ xây dựng Tà Rụt thành khu đô thị mới.

Trên cơ sở xây dựng đồ án quy hoạch chung, cũng như kết quả thẩm định đồ án của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị, Nghị quyết đã cơ bản thống nhất với các nội dung của đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Tà Rụt, huyện Đakrông đến năm 2045.

Mục tiêu của việc xây dựng đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Ta Rụt là nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 02NQ/TU ngày 04/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 -2021, định hướng đến năm 2025; Chương trình hành động số 51-CTr/TU ngày 10/01/2013 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với tính chất, xây dựng phát triển đô thị đạt tiêu chí đô thị loại V, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, phù hợp với bản sắc văn hóa địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành trung tâm dịch vụ, thương mại, công nghiệp, logistics gắn liền với Cửa khẩu quốc tế La Lay. Ngoài ra, đây còn là cơ sở cho việc lập chương trình phát triển đô thị, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng. Là đô thị tổng hợp trực thuộc huyện Đakrông, là đô thị loại V; phát triển đa ngành, đa lĩnh vực gồm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề - logistics, thương mại - dịch vụ - du lịch, nông - lâm nghiệp; là một trong những trung tâm giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng qua Cửa khẩu quốc tế La Lay; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh biên giới.

Định hướng phát triển không gian đô thị mới Tà Rụt là hướng phát triển đô thị Tà Rụt trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, công nghiệp, logistics gắn liền với Cửa khẩu quốc tế La Lay, kết nối với cảng Mỹ Thủy trên cơ sở hệ thống giao thông Quốc lộ 15D, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Hình thành trung tâm tài chính - thương mại quốc tế, hội chợ, sàn giao dịch tại khu vực trung tâm tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh; xây dựng chợ trung tâm định hướng phát triển thành chợ đầu mối, ưu tiên phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu cung cấp hàng hóa hai bên biên giới; phát triển các điểm thương mại, dịch vụ trong các khu đô thị đảm bảo nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Phát triển khu vực Tà Rụt - La Lay thành một địa điểm hấp dẫn để nghỉ ngơi và mua sắm giữa Lào và Việt Nam. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên tại khu vực. Khai thác phát triển du lịch sinh thái ngoài trời, du lịch khám phá, trải nghiệm tại các rừng đặc dụng có thảm thực vật phong phú, đa dạng như Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Phát triển các điểm du lịch sinh thái cộng đồng gắn với văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô; khôi phục, bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, ẩm thực... Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đa ngành, ưu tiên phát triển công nghiệp đóng gói, chế biến nông sản, sản xuất linh kiện, lắp ráp điện tử, may mặc... gắn với xuất nhập khẩu qua Lào và Thái Lan. Tập trung phát triển theo hướng công nghệ hiện đại; đối với làng nghề ưu tiên phát triển ngành nghề địa phương như mộc mỹ nghệ, chế biến thức ăn, dược liệu... các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề tập trung phát triển theo hướng tích hợp đa năng và phát triển bền vững. Phát triển khu dịch vụ logistics, kết nối giữa khu trung tâm thương mại và công nghiệp. Phát triển quy mô nhỏ diện tích canh tác trong khu vực thì yêu cầu phải xây dựng vùng nông nghiệp tập trung có quy mô phù hợp với loại hình sản xuất và điều kiện của địa phương. Dự kiến sẽ mở rộng diện tích với quy mô nhỏ, phát triển mở rộng phần diện tích sang phía Tây sông Đakrông, tận dụng phần diện tích ven sông để phát triển diện tích trồng lúa nước cho năng suất cao, đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân. Đối với cây trồng hàng năm khác ưu tiên xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý vùng sản xuất và diện tích canh tác cho phát triển các cây bản địa có hiệu quả. Định hướng giảm diện tích rừng trồng tự nhiên để dành đất cho xây dựng đô thị, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết trên toàn khu vực với các vùng trồng lần cận để tạo vùng nguyên liệu tập trung và đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, thiết lập hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (tiêu chuẩn Chứng chỉ rừng FSC) và tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ để đáp ứng xu thế, nhu cầu thế giới về sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thân thiện với môi trường.

Trước đây, Tà Rụt được biết đến là một miền núi xa xôi, hẻo lấn trên dãy Trường Sơn. Nhưng từ ngày đường Hồ Chí Minh hoàn thành và đi qua, cùng với đó hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu La Lay ngày mỗi sôi động hơn, Tà Rụt đã vươn mình trở thành vùng thị tứ năng động. Người dân nơi đây vốn dĩ chịu thương, chịu khó sớm hòa nhịp, biến cơ hội thành điểm tựa để phát triển kinh tế, nên đời sống của họ được đổi thay rõ rệt. Đây cũng là những cơ sở, điều kiện tiên quyết hướng đến của đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Tà Rụt đến năm 2045.

Hữu Tiến

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load