Những đống gốc rễ lăn lóc này là của hàng trăm cây phi lao hơn 30 năm tuổi
có tác dụng bảo vệ môi trường ven biển Vĩnh Thái sau khi bị triệt hạ
Xóm làng tan tác
Đi qua vùng cát Vĩnh Thái, cảnh tượng xót lòng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là những cánh rừng cây phi lao hơn ba mươi năm tuổi có nhiệm vụ điều hoà môi trường môi sinh, chắn cát bay cát lấp đã bị triệt hạ tan hoang để nhường mặt bằng cho đội quân đi khai thác quặng titan. Một nông dân thôn Thử Luật rầu rĩ cho biết: “Nhiều năm nay, các nhà khoa học đã mất nhiều thời gian nghiên cứu để trồng phi lao bảo vệ môi trường, nay các Cty titan về địa phương bồi thường vài đồng cho dân rồi ngang nhiên đào bới đồng cát, nhìn mà xót lòng. Một trăm năm qua, cha ông chúng tôi giữ được đất làng, bây giờ xem như bó tay trước nạn titan”.
Cty CP Khoáng sản Quảng Trị là đơn vị đang khai thác titan tại thôn Thử Luật. Anh Ngô Thế Trung, một công nhân làm thuê cho Cty này, cho biết: “Trung bình mỗi xoắn khai thác titan có 8 người. Với giá hiện tại, khai thác mỗi tấn titan thô được trả công 77.000 đồng. Tám người mỗi tháng khai thác khoảng 110 tấn nguyên liệu titan thô. Thu nhập bình quân chừng 1,3 triệu đ/tháng/người”. Khi được hỏi lý do phải đi đào phá ruộng đất quê hương đem bán, có thể gây hậu quả khó lường cho các thế hệ mai sau, anh Trung buồn bã trả lời: “Kiếp dân nghèo làm thuê, ai kêu gì nhờ đó. Biết bây giờ mình khai thác titan là có lỗi với con cháu nhưng không làm thì lấy gì để sống”.
Trưởng thôn Thử Luật - ông Phan Ngọc Hiến - nói như kêu cứu: “Vừa rồi, Cty TNHH Thanh Tâm khai thác titan (ở thôn Mỹ Tú, xã Vĩnh Tú) nhưng làm ảnh hưởng đến 14ha ruộng của thôn Thử Luật. Chưa kể một khối lượng lớn cát sau khi được lọc quặng thải ra đã chặn dòng chảy của bàu Thuỷ Ứ, làm nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống bị cạn kiệt, môi trường ô nhiễm trầm trọng. Đây là nơi sinh hoạt, tắm giặt của bà con Thử Luật ”.
Thôn Thử Luật tan hoang vì khai thác titan
Chỉ là “ném đá ao bèo”
Ông Nguyễn Văn Ninh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái- cho biết, hiện 5/7 thôn trên địa bàn có hoạt động khai thác titan trên diện tích 66ha đồng cát, với hơn 30 xoắn lắng lọc làm việc liên tục mỗi ngày. Trong đó, Cty CP Khoáng sản Quảng Trị hoạt động khai thác trên 4 thôn. Ông Vinh thừa nhận về tác hại của khai thác titan: “Cty TNHH Thanh Tâm mặc dù khai thác tại thôn Mỹ Tú của xã Vĩnh Tú nhưng phần cát đổ ra trên đất Vĩnh Thái kèm với nước thải đã gây ô nhiễm nặng cho đất đai thôn Thử Luật. Chính quyền xã nhiều lần kiến nghị với Cty gây ô nhiễm cần lưu ý đến vấn đề môi trường, nhưng kết quả không mấy khả quan”.
Hậu quả nhãn tiền là vậy, nhưng nhiều người dân nghèo ở xã Vĩnh Thái vẫn tin vào lời hứa của các đơn vị khai thác titan trên địa bàn. Theo ông Phan Ngọc Hiến, Trưởng thôn Thử Luật, các Cty khai thác titan hứa với người dân tựa như những chuyên gia nuôi trồng thủy sản rằng, sau khi khai thác hết titan họ sẽ giúp dân nuôi tôm trên cát tại những nơi bị đào sâu tạo thành ao hồ (?).
Không riêng gì các xã ven biển huyện Vĩnh Linh, tại xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh), nhiều hộ dân cũng đang đứng ngồi không yên vì nạn khai thác titan. Sau khi cấp phép khai thác cho hai Cty Tín Đạt Thành và Thống Nhất khai thác titan ở thôn Thuỷ Khê, mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị lại giao thêm 12,8ha đất cho Cty TNHH Hiếu Giang khai thác titan tại thôn Cam Phổ. Trưởng thôn Cam Phổ - ông Nguyễn Văn Thục - không giấu được sự lo lắng: “Đây là vùng trồng rừng phi lao chắn cát ven làng hàng chục năm nay và có rất nhiều phần mộ dân làng, nên nhiều người trong thôn rất bức xúc với chủ trương này”.
Việc cấp phép khai thác titan tràn lan như hiện nay tại Quảng Trị sẽ khó tránh khỏi những thảm họa môi trường khôn lường cho nhiều vùng quê ven biển các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Tài nguyên quốc gia đang lặng lẽ trôi vào túi các doanh nghiệp, còn môi trường sinh thái vùng ven biển chưa biết còn bao lâu nữa mới được khôi phục như xưa. Cái giá phải trả cho sự dễ dãi của việc cấp phép khai thác titan tại nhiều tỉnh miền Trung vẫn đang là bài học nhãn tiền. Lẽ nào Quảng Trị lặp lại chuyện buồn này?
Nguyễn Văn Ngọc (BXD số 63/2008)
Theo baoxaydung.com.vn