(Xây dựng) - UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Quyết định phê duyệt dự toán lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hệ thống khai thác và xử lý nước của 14 giếng cổ ở xã Gio An, huyện Gio Linh.
Giếng cổ Gio An, huyện Gio Linh. |
Theo đó, tổng dự toán được phê duyệt hơn 3,2 tỷ đồng, trong đó, chi phí khảo sát địa hình 441 triệu đồng; chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch 441 triệu đồng; chi phí lập đồ án quy hoạch hơn 2,33 tỷ đồng; còn lại là các chi phí khác như: Lập hồ sơ mời, đánh giá hồ sơ dự thầu khảo sát xây dựng và lập đồ án quy hoạch, chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu...
UBND tỉnh Quảng Trị giao Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh tổ chức thực hiện lập quy hoạch và thanh quyết toán kinh phí đảm bảo tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Hệ thống giếng cổ Gio An được người Chăm xây dựng vào cuối thời đại đồ đá, ước tính ra đời cách đây khoảng 5.000 năm với 14 giếng bao gồm: Giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào (thôn An Nha); giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng); giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn). Các giếng cổ này đa phần nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi; là những hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, là di tích có giá trị khảo cổ, văn hóa nghệ thuật độc đáo do người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay.
Hiện nay, dù cuộc sống đã đổi thay nhiều, nhưng các giếng cổ vẫn là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân xã Gio An, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Từ xưa đến nay, dù thời tiết khô hạn đến đâu, nước trong hệ thống giếng cổ vẫn không bao giờ cạn và vẫn trong xanh và mát lạnh. Hệ thống giếng cổ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia vào năm 2001.
Hữu Tiến
Theo