(Xây dựng) – Ngày 3/4, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh tổ chức Lễ khởi công dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hóa núi Bài Thơ - Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn.
Phối cảnh dự án Quảng trường khu văn hóa núi Bài Thơ và tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn khi hoàn thành. |
Theo đó, dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hóa núi Bài Thơ có quy mô diện tích gần 1,2ha, bao gồm các hạng mục chính: Công trình kiến trúc (lầu bát giác, nhà vệ sinh ngầm, nhà dịch vụ); cây xanh, kè; sân, đường giao thông, bậc lên xuống… Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 213 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hạ Long, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 154 tỷ đồng. Đến nay, đã có 11/37 hộ dân và 3/5 tổ chức nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng sớm cho thành phố triển khai thực hiện dự án.
Riêng dự án Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn được thực hiện bằng nguồn tiền công đức và các khoản huy động xã hội hóa hợp pháp khác. Việc tu bổ, tôn tạo sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng tổng thể cũ với các yếu tố về ranh giới, vị trí các di tích gốc, không gian cảnh quan kiến trúc.
Để chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án, ngay từ đầu năm 2024, thành phố Hạ Long đã thành lập Ban vận động huy động nguồn lực xã hội hóa để kêu gọi, vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đối với dự án này. Tính đến thời điểm hiện tại, Ban vận động đã tiếp nhận được số tiền ủng hộ trên 27,3 tỷ đồng.
Quang cảnh Lễ khởi công dự án. |
Sau khi mở rộng khuôn viên, khu di tích sẽ có 5 cấp sân nối liền với sân đường giao thông khu quảng trường, khu ban quản lý và khu dịch vụ, bãi đỗ xe, hạng mục Nghi môn, bổ sung thêm các ô cây tạo cảnh quan, bóng mát. Toàn bộ sân được lát đồng bộ bằng đá xanh, cải tạo chỉnh trang lại toàn bộ kè, hệ thống bậc thang và lan can, bó vỉa ô cây bằng đá xanh; hệ thống hạ tầng điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Cụm di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ nằm trên địa bàn 2 phường Bạch Đằng và Hồng Gai, thuộc trung tâm thành phố Hạ Long, là một trong tổng số 96 di tích trên địa bàn thành phố Hạ Long. Cụm di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ gồm núi Bài Thơ và các công trình trên núi như: Nơi cắm cờ Đảng ngày 1/5/1930; hang số 6 là nơi sơ tán của nhân dân Hồng Gai thời chống Mỹ; chùa Long Tiên; đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn; Đài quan sát và trận địa Phòng không 12,7 ly của Đại đội tự vệ Bạch Đằng; hang Bưu điện, Sở Chỉ huy Phòng không; Phòng mổ Bệnh viện tỉnh; giếng nước 100 năm tuổi đầu phố Chợ Cũ và một số bài thơ cổ khắc trên vách đá. Đây là những công trình ghi đậm dấu ấn lịch sử về mảnh đất và con người Quảng Ninh.
Bài thơ của vua Lê Thánh Tông và một số bài thơ cổ khắc trên vách đá núi Bài Thơ. |
Năm 1992, Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao công nhận di tích lịch sử - văn hóa núi Bài Thơ, Bia khắc trên núi, chùa Long Tiên, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. |
Nằm trong Cụm di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1992. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương, mà còn là địa điểm thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, chiêm bái mỗi năm.
Giá trị văn hóa lịch sử của cụm di tích núi Bài Thơ và đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn nói riêng đã được làm rõ qua nhiều hội thảo, hội nghị, các công trình khoa học. Tại Hội thảo khoa học do Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long phối hợp với Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia tổ chức ngày 15/12/2023 với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long”, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao giá trị lịch sử văn hóa của Cụm di tích núi Bài Thơ và cho rằng Cụm di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ không chỉ là một thắng cảnh đẹp, mà còn có các công trình kiến trúc hấp dẫn hàm chứa nhiều giá trị lịch sử văn hóa.
Theo truyền thuyết, mùa xuân Quang Thuận năm 1468, vua Lê Thánh Tông trong một chuyến đi kinh lý duyệt quân ở vùng Đông Bắc xúc động trước vẻ đẹp của vịnh Hạ Long, đã làm một bài thơ khắc trên vách núi Truyền Đăng, vì thế sau này núi có tên là núi Bài Thơ.
Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn sẽ được tu bổ, tôn tạo dựa trên nguyên tắc tôn trọng tổng thể cũ (ảnh: Phạm Công). |
Trong không gian của cụm di tích, đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII, là nơi thờ con trai cả Hưng Đạo Đại Vương, một vị tướng tài giỏi, văn võ song toàn của triều đại nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông, Trần Quốc Nghiễn đã cùng vua cha Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh nhà Trần lập nhiều chiến công lớn, đặc biệt là chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ 3 năm 1288 dẹp giặc ở vùng Đông Bắc đất nước.
Sau khi ông mất, các chủ thuyền đi qua núi Bài Thơ đã cùng nhau lập đền thờ để ghi nhớ công ơn vị danh tướng. Trải qua thời gian, đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đã nhiều lần được trùng tu bởi các chủ thuyền đánh cá. Lần gần đây nhất, năm 2002, nhân dân Hạ Long và các chủ thuyền đã phát tâm công đức cùng nhau trùng tu, tôn tạo ngôi đền khang trang như hiện nay. Hiện nay, đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vẫn còn lưu giữ được 2 tấm bia đá và 5 bức tượng cổ (có từ thế kỷ XIII) do một số chủ thuyền tạc dựng.
Dự án Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được thực hiện bằng nguồn tiền công đức và các khoản huy động xã hội hóa hợp pháp khác. |
Có thể thấy, với những giá trị văn hóa và mang ý nghĩa lịch sử, cụm di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ có tầm quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố Hạ Long. UBND thành phố Hạ Long cho biết, thành phố sẽ có những phương án cụ thể để tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực theo hướng đồng bộ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, đảm bảo tính thẩm mỹ, hài hòa với cảnh quan chung, tạo không gian đô thị xanh thân thiện với môi trường và phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái, giới thiệu lịch sử văn hóa, phục vụ cho du khách.
Theo kế hoạch, thời gian thi công dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hóa núi Bài Thơ - Mở rộng, tu bổ tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn trong khoảng 300 ngày và sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2025.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ phát huy giá trị lịch sử của quần thể di tích núi Bài Thơ, tạo điểm nhấn cho cảnh quan khu vực, tạo điểm tham quan du lịch, văn hóa tâm linh cho nhân dân và du khách. Đây cũng là công trình được lựa chọn để gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh và Đại hội Đảng bộ thành phố Hạ Long, nhiệm kỳ 2025 – 2030, hướng tới mục tiêu “quyết tâm xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long là thành phố của đổi mới sáng tạo, thành phố của di sản, hoa và lễ hội, thành phố kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”.
Hoàng My
Theo