Thứ bảy 27/04/2024 09:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Hơn 2.000 tỷ đồng ngoài ngân sách xây dựng trường sở

10:04 | 13/11/2022

(Xây dựng) - Đến nay, Quảng Ninh đã huy động được trên 2.000 tỷ đồng ngoài ngân sách đầu tư xây dựng 51 trường học ngoài công lập, với 1.505 lớp, đáp ứng nhu cầu học tập cho trên 40 nghìn học sinh từ cấp mầm non đến trung học phổ thông.

Quảng Ninh: Hơn 2.000 tỷ đồng ngoài ngân sách xây dựng trường sở
Quảng Ninh hiện có 51 trường học ngoài công lập, với 1.505 lớp thu hút trên 40.000 học sinh các cấp học.

Các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư vào giáo dục đã phát triển theo hướng chất lượng cao, thông qua việc chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp khang trang, hiện đại. Theo đó, tương ứng với công trình hạ tầng, các trường tư đã quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học; đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Một số hoạt động sư phạm ở trường ngoài công lập đã có phần năng động, kịp thời đáp ứng với nhịp độ phát triển nhanh hơn so với một số trường công lập.

Quảng Ninh thực hiện phương châm “Ngân sách Nhà nước là chủ đạo, kết hợp tối đa với các nguồn lực ngoài ngân sách để chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo”. Tỉnh có cơ chế khuyến khích phát triển mạnh giáo dục ngoài công lập như: Giao đất miễn thu tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, làm đường điện đến tường rào trường học, đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ một phần kinh phí trang sắm thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi,... cho các trường ngoài công lập ở các cấp học…

Hiện chưa có thống kê so sánh sự hơn kém về cơ sở vật chất, trường sở giữa trường công và trường tư, nhưng thực tế cho thấy nhiều trường tư khang trang, còn có xe đưa đón học sinh đến lớp như các trường: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Lê Thánh Tông… chưa kể các nhà trường liên doanh đào tạo với nước ngoài thì cơ sở giáo dục còn hiện đại hơn nhiều.

Mục tiêu, đến năm 2025, Quảng Ninh ở top khá trong cả nước về chất lượng giáo dục, có số cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm từ 20-25%, giảm số người hưởng lương từ ngân sách trong hệ thống giáo dục công lập và thực hiện tự chủ trong các trường công.

Ngân sách Nhà nước chỉ ưu tiên xây dựng trường sở cho những địa phương khó khăn trong tổng thể chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025, như tỉnh đã cấp ngân sách cho Dự án trường Trung học phổ thông (THPT) Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ 48.000 triệu đồng; trường THPT Bình Liêu 75.000 triệu đồng, trường THCS và THPT Hoành Mô cùng ở huyện Bình Liêu 42.000 triệu đồng. Đối với các trường ở đồng bằng, đô thị… Quảng Ninh chỉ thực hiện cơ chế hỗ trợ từ nguồn mục tiêu sự nghiệp để chỉnh trang, nâng cấp trường sở như đã hỗ trợ cho thành phố Cẩm Phả 170.000 triệu đồng, để mở rộng xây dựng THPT Cẩm phả.

Quảng Ninh: Hơn 2.000 tỷ đồng ngoài ngân sách xây dựng trường sở
Cơ sở giáo dục thể chất của trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông, ở thành phố Hạ Long.

Hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập ở Quảng Ninh từng bước phát triển về số lượng, đóng góp rất lớn trong việc giảm tải học sinh cho các trường công lập, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đòi hỏi hệ thống trường ngoài công lập không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng đào tạo mang tính chuyên nghiệp cao.

Địa phương cũng cần thu hẹp khoảng cách phân biệt giữa trường công và trường tư, đây đó vẫn còn tàn dư quan niệm “con đẻ - con nuôi”. Chủ trương của Quảng Ninh mỗi một đơn vị cấp dưới tỉnh (gọi chung là huyện) có một trường THPT chất lượng cao là cần thiết, nhưng thiết nghĩ không nhất thiết phải là trường công lập.

Thực tế ở thành phố Hạ Long, trường dân lập Văn Lang cả 3 cấp học đều tỏa sáng, được phụ huynh xa gần ngưỡng mộ về chất lượng giáo dục. Quả là “danh bất hư truyền”, thi tuyển đầu vào ở trường dân lập Văn Lang khắt khe, nghiêm túc, các tiêu chí đặt ra y như kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học - cao đẳng. Việc đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường ngày nay có khác, không còn chạy xô theo số điểm cao thấp, kiểu luyện “gà nòi”, mà lấy chất lượng giáo dục con người phát triển toàn diện, tạo ra nhân tố tốt cho xã hội, là mục tiêu, là mong mỏi của nhân dân.

Các địa phương cần có quy hoạch dành quỹ đất xây dựng trường sở, vì sự nghiệp phát triển giáo dục lâu dài. Song học sinh tăng đến đâu, trường lớp xây dựng cân đối đến đấy, tránh khuynh hướng chạy theo phong trào, ăn xổi, tình trạng cơ hội xây dựng trường sở tràn lan lãng phí ngân sách, tiền của xã hội.

Quảng Ninh: Hơn 2.000 tỷ đồng ngoài ngân sách xây dựng trường sở
THPT Nguyễn Trãi thừa 20 phòng học, khi hàng năm Tiên Yên có khoảng 600 học sinh tốt nghiệp THCS thì có đến 5 trường THPT mở cửa chiêu sinh.

Một ví dụ buồn như ở huyện Tiên Yên, hàng năm chỉ có khoảng 600 học sinh tốt nghiệp THCS thì có đến 5 trường THPT mở cửa chiêu sinh, dẫn đến tình trạng huyện phải đứng ra chia học sinh cho các trường. Huyện “thừa trường - thiếu trò”, trường THPT Nguyễn Trãi hiện còn dôi dư 20 phòng học, giá trị đầu tư 24 tỷ đồng xây xong trên 4 năm nay không dùng đến, rất lãng phí tài sản xã hội chỉ vì địa phương chỉ đạo đầu tư xây dựng trường sở không sát.

Bùi Ánh Hồng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load