(Xây dựng) – Trước những yêu cầu phát triển bền vững của thực tiễn cũng như thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng về việc hạn chế sử dụng cát tự nhiên cho san lấp, tỉnh Quảng Ninh đã có những chuyển biến nhanh, kịp thời khi dự báo khả năng tiêu thụ và đề xuất phương án khả thi trước những yếu tố thuận lợi cho việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên.
Sản phẩm cát nhân tạo của Cty Thiên Nam.
Nguồn tài nguyên cát hạn chế
Theo Sở Xây dựng Quảng Ninh, nguồn tài nguyên cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh rất hạn chế, chỉ có 5 khu vực được cấp phép khai thác cát: 03 Giấy phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, 2 Giấy phép khai thác cát biển làm vật liệu san lấp mặt bằng, với tổng diện tích cấp phép 65,6ha và tổng công suất khai thác theo thiết kế là 210.000 m3/năm. Ngoài ra còn có 14 dự án nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa nhưng chỉ có 2 dự án đang hoạt động, với tổng khối lượng đã nạo vét, thu hồi hơn 130.000 m3 cát sỏi. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ khai thác truyền thống, sản phẩm cát chủ yếu là cát vàng, mô đun độ nhỏ khá lớn, thích hợp cho việc sản xuất bê tông, xây, tô, trát…
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng cát trên địa bản tỉnh theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng Tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2623/QĐ-UBND ngày 08/9/2015, thì lại rất lớn, trong đó nhu cầu cát xây dựng năm 2015 là 2.100.000 - 2.150.000 m3 /năm, nhu cầu đến năm 2020 là 2.600.000 - 2.650.000 m3 /năm. Nhu cầu vật liệu san lấp nền công trình xây dựng năm 2015 là 2.510.000 m3/năm, đến năm 2020 là 67.510.000 m3/năm.
Nắm bắt tình hình, Sở Xây dựng Quảng Ninh đề xuất một số giải pháp đảm bảo nguồn cung cho các dự án đầu tư phát triển đô thị, giao thông, hạ tầng kỹ thuật…, trong đó giai đoạn 2016-2020, bên cạnh việc duy trì khai thác cát tại các cơ sở đã cấp phép tổng công suất đạt 450.000 m3/năm và đầu tư mới 2 cơ sở khai thác cát tại Hải Hà và Ba Chẽ với tổng công suất 100.000 m3/năm, Quảng Ninh sẽ đầu tư mới một số cơ sở cát nghiền tại các địa phương như: Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Cẩm Phả, với tổng công suất khoảng 750.000 m3/năm, nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn khu vực miền Đông của tỉnh để làm vật liệu xây dựng, tận dụng nguồn cát nhiễm mặn sẵn có trong khu vực bổ sung nguồn cát xây dựng còn thiếu trên địa bàn.
Chế biến đá cát kết thành cát nghiền
Thực hiện Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh, năm 2016, Cty CP Thiên Nam (Cty Thiên Nam) đã được UBND tỉnh cho phép đầu tư dự án thu hồi, chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải mỏ than khu vực bãi thải Đông Cao Sơn của Cty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin.
Cty Thiên Nam thu hồi, chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải mỏ than khu vực bãi thải Đông Cao Sơn của Cty CP Than Cọc Sáu – Vinacomin.
Dự án sản xuất, thu hồi, chế biến đá cát kết của Cty Thiên Nam đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng. Địa điểm thực hiện dự án: Bãi thải Đông Cao Sơn của Cty CP than Cọc Sáu tại phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, với diện tích sử dụng đất hơn 23ha.
Dự án áp dụng dây chuyền công nghệ mới, hiện đại (xay, sàng, nghiền liên hoàn, sử dụng nước tuần hoàn), tận dụng đá cát kết từ nguồn đất đá thải của các mỏ than để sản xuất Vật liệu xây dựng (VLXD), đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sản phẩm gồm: Cát xây dựng, đá 1x2, đá 2x4 và vật liệu san nền (đá bây).
Dây chuyền sản xuất cát nghiền của Cty Thiên Nam.
Sản phẩm đã được Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng kiểm nghiệm, được Tổ chức chứng nhận Vinacontrol cấp Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm QRCM0546 ngày 4/7/2017 và Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 QSV0722 ngày 4/7/2017. Sản phẩm cũng được Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh công bố giá.
Mới đây ngày 14/7/2017, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1579/BXD-VLXD báo cáo Văn phòng Chính phủ về việc sản xuất và sử dụng cát nghiền cho bê tông và vữa của Cty Thiên Nam, trong đó nhấn mạnh, việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên đạt tiêu chuẩn cho bê tông và vữa là cần thiết và phù hợp với Nghị quyết số 46 ngày 9/6/2017 của Chính phủ.
Nhằm đáp ứng nguồn cung cát xây dựng cho các công trình xây dựng hiện nay, Bộ Xây dựng ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên. Dự án sản xuất cát nghiền của Cty CP Thiên Nam sử dụng từ đá cát kết thải từ hoạt động khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cần xem xét được áp dụng các chính sách hỗ trợ về xử lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường đã được nhà nước ban hành.
Khu vực cấp liệu cho 5 dây chuyền sản xuất cát nghiền của Cty Thiên Nam.
Trước đó ngày 22/6/2017, Bộ Xây dựng có văn bản số 1421, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tính toán, cân đối cung cầu cát xây dựng và vật liệu san lấp, sử dụng vật liệu thay thế có sẵn tại địa phương, hạn chế sử dụng cát tự nhiên khai thác từ lòng sông làm vật liệu san lấp, sử dụng cát tự nhiên tiết kiệm, có hiệu quả, đặc biệt sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị các cơ quan và UBND tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện để sản phẩm cát nghiền của Cty CP Thiên Nam thay thế cát tự nhiên cho bê tông, vữa được ứng dụng rộng rãi trong các công trình trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, dự án đầu tư xây dựng nhà máy cát nghiền của Cty CP Thiên Nam được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định.
Mỗi năm Quảng Ninh có khoảng 200 triệu m3 đất đá thải từ các hầm lò khai thác than cần được khai thác, sử dụng hiệu quả làm vật liệu xây dựng, không chỉ vì mục đích phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự ổn định, an sinh, an toàn cho người dân.
Thanh Nga
Theo