Thứ năm 25/04/2024 15:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Hội đồng Thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch cấp tỉnh

15:09 | 30/06/2022

(Xây dựng) - Ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch cấp tỉnh đã chủ trì phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kết quả đánh giá môi trường chiến lược của Quảng Ninh.

quang ninh hoi dong tham dinh nhat tri thong qua quy hoach cap tinh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kết luận nhất trí thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh Quảng Ninh xác định công tác Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là một trong những nhiệm vụ tiên quyết. Khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian địa lý trên địa bàn tỉnh, là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển bứt phá, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã đề ra trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành tổ chức lập quy hoạch tỉnh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến phường xã.

Mục tiêu tổng quát được Quy hoạch, đến năm 2030 Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 3-4%; công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 47-48%; dịch vụ chiếm khoảng 38-39% và thuế sản phẩm 9-10%.

GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 19.000-20.000 USD. Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Các thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh có chung nhận xét: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển của đất nước và của tỉnh. Báo cáo quy hoạch được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính khoa học và cơ bản đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch và nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cũng nêu lên những cơ hội, tiềm năng phát triển nổi trội của Quảng Ninh so với các địa phương khác, đồng thời cũng chỉ ra một số nội dung cần tiếp tục bổ sung, phân tích làm rõ hơn trong Quy hoạch như: Làm rõ thêm về tiềm năng phát triển biển đảo; chỉ số tăng trưởng GRDP, chỉ số tiếp nhận, hưởng thụ của người dân; tỷ lệ nhà ở đô thị, không gian quản lý vùng. Bổ sung, phân tích xu hướng phát triển xanh, cách thức đối mặt. Làm rõ những yếu tố đặc thù của Quảng Ninh trong định hướng phát triển, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; căn cứ để đưa ra các chỉ tiêu phát triển ngành du lịch; đánh giá nguy cơ, tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển của tỉnh…

Thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã nhất trí thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có 4/25 phiếu thông qua mà không cần chỉnh sửa; 21/25 phiếu thông qua với điều kiện cần chỉnh sửa trên cơ sở các ý kiến tham gia.

quang ninh hoi dong tham dinh nhat tri thong qua quy hoach cap tinh
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cam kết tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành trước đây và các ý kiến của các thành viên Hội đồng Thẩm định, các chuyên gia, các nhà khoa học tại cuộc họp thẩm định quy hoạch này, để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện xây dựng quy hoạch, đồng thời lưu ý tỉnh Quảng Ninh cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, ý kiến góp ý của các Bộ, để hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.

Trên cơ sở nội dung báo cáo Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có ý kiến cụ thể vào quan điểm phát triển của tỉnh nhằm thể hiện rõ mức độ ưu tiên, tính đột phá, động lực, để Quảng Ninh phát triển trong thời gian tới.

quang ninh hoi dong tham dinh nhat tri thong qua quy hoach cap tinh
Quang cảnh cuộc họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo, để đảm bảo Quy hoạch tỉnh có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với quy hoạch của cả nước, Quảng Ninh cần làm tốt việc quy hoạch, có tầm nhìn chiến lược, dài hơi và khai thác tốt các tiềm năng, khắc phục hạn chế để thúc đẩy phát triển bền vững. Quảng Ninh cần có cách tiếp cận hiện đại, chiến lược; khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế và khắc phục những hạn chế để phát triển bền vững. Trong cơ cấu chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh" cần chú trọng đến chuyển đổi việc làm lao động ngành Than. Đồng thời, cũng lưu ý đến việc phát triển dân số và dân cư trong quy hoạch.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load