(Xây dựng) – Thị trấn Di Lăng – Đô thị trung tâm của miền Tây Quảng Ngãi, trung tâm huyện lỵ Sơn Hà vừa diễn ra một phiên đấu giá đất được đánh giá là sôi động, kịch tích chưa từng có.
Đấu giá đất sôi động chưa từng có ở huyện miền núi Sơn Hà. |
Một ngày sau phiên đấu giá 39 lô đất thuộc Khu dân cư Cà Tu, tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, nhiều người vẫn chưa thôi bàn luận về những diễn biến gay cấn cũng như mức giá cao chưa từng có được nhiều khách hàng tham gia đưa ra.
Theo đó, ngày 17/6, lần đầu tiên sau nhiều năm huyện Sơn Hà đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án phát triển quỹ đất do huyện làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà là chủ tài sản, Công ty Đấu giá Hợp danh Tài chính và Giá cả Quảng Nam – Chi nhánh Quảng Ngãi là đơn vị tổ chức đấu giá.
Trước đó, ngày 11/5, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 39 lô đất này tại Quyết định số 437/QĐ-UBND. Ngày 23/5, đơn vị tổ chức đấu giá đã phát Thông báo gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan, đồng thời niêm yết, công khai thông tin để đông đảo người dân có nhu cầu quan tâm mua, nộp hồ sơ, tiền đặt trước.
Tổng 39 lô được đưa ra đấu giá lần này có diện tích hơn 5.344m2, trong đó lô nhỏ nhất hơn 126m2, lô lớn nhất hơn 175m2, giá khởi điểm thấp nhất hơn 414 triệu đồng/lô, cao nhất hơn 782 triệu đồng/lô. Tổng giá khởi điểm hơn 20,4 tỷ đồng, người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước 20% giá trị lô đất căn theo giá khởi điểm. Do giá khởi điểm được xây dựng tương đối phù hợp nên đã tạo được sức hấp dẫn cho sản phẩm, qua đó thu hút hơn 1.000 người mua hồ sơ, tham gia đấu giá. Kết thúc phiên, tất cả 39 lô đất đã được đấu giá thành công, số tiền trúng đấu giá là hơn 44,8 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với giá khởi điểm (20,4 tỷ đồng), vượt xa kế hoạch mà UBND huyện Sơn Hà đề ra.
Có mặt tại buổi đấu giá, phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận sự chuyên nghiệp, bài bản trong khâu tổ chức của các đơn vị có liên quan, tổ đấu giá thực hiện đảm bảo quy trình. Có đến hàng trăm người trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi tập trung về khu vực tổ chức đấu giá nên lực lượng an ninh được huy động với quân số đông để đảm bảo an ninh trật tự, nắm bắt tình hình… lãnh đạo UBND huyện, chủ tài sản, các cơ quan chuyên môn của huyện được mời tới để theo dõi diễn biến, giám sát phiên đấu giá.
Theo ghi nhận, hầu hết các lô đều được đấu thành công ở mức tăng gấp 2-3 lần giá khởi điểm. Đơn cử lô có giá khởi điểm chỉ hơn 600 triệu, nhưng được đấu lên hơn 1,8 tỷ, lô hơn 700 triệu đấu lên 1,8 tỷ đồng… để đi đến mức giá cuối cùng, đa phần các lô phải qua ít nhất từ 10-15 vòng, có lô lên đến gần 30 vòng đấu. Diễn biến gay cấn cùng mức giá khá cao của phiên đấu giá được nhận định lần đầu xuất hiện tại huyện Sơn Hà. Hiện kết quả trúng đấu giá đang được trình để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, khách hàng trúng đấu giá sẽ tiến hành nộp tiền sau 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo nộp tiền.
Người dân, giới đầu tư đang dành sự quan tâm đặc biệt cho tiềm năng phát triển của đô thị Di Lăng. |
Theo lãnh đạo UBND huyện Sơn Hà, kết quả đấu giá bước đầu được xem là thành công khi ngân sách Nhà nước dự kiến thu về một khoản tiền lớn, dự án phát triển quỹ đất của địa phương phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Rộng hơn sẽ có thêm nguồn lực đáng kể để tái đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ mục đích phát triển huyện nhà, mà cụ thể là có nguồn giải ngân cho các dự án đầu tư công trung hạn ghi vốn sử dụng đất. Cùng với đó, những hệ lụy không mong muốn có thể xảy đến sau phiên đấu giá đất đã được dự lường, đồng thời đưa ra nhóm giải pháp để kịp thời kiểm soát, tạo sự hài hòa cho thị trường.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản ở Quảng Ngãi, sự sôi động và sức “nóng” trong phiên đấu giá đất ở huyện miền núi Sơn Hà đã phần nào minh chứng cho sự quan tâm của người dân, giới đầu tư đối với thị trường bất động sản tại địa phương này. Bên cạnh nhu cầu thực rất lớn của thị trường Di Lăng đầy nội lực, trong khi nguồn cung sản phẩm là đất lô liền kề chưa đáp ứng kịp, thì sự tham gia của đông đảo giới đầu tư sành sỏi thị trường đến từ nhiều nơi cho thấy tính thanh khoản cũng như tiềm năng, sự phát triển vượt bậc trong tương lai gần của đô thị này đã được nhận diện.
Thị trấn Di Lăng cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi gần 50km về phía Tây, năm 2018 - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của huyện Sơn Hà được công nhận là đô thị loại V, theo kế hoạch đến năm 2025, thị trấn này sẽ cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian qua huyện Sơn Hà huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung thu hút, kêu gọi vốn đầu tư, ưu tiên các dự án phát triển đô thị, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Nhờ đó, bộ mặt Di Lăng – Đô thị trung tâm miền Tây Quảng Ngãi đã có những thay đổi mang tính đột phá và rõ nét.
Thời gian tới, thị trấn Di Lăng nói riêng và huyện Sơn Hà nói chung sẽ nhận được nguồn lực đầu tư rất lớn. |
Từ năm 2022 trở đi, thị trấn Di Lăng nói riêng và huyện Sơn Hà nói chung đứng trước nhiều cơ hội để hiện thực hóa quy hoạch, đầu tư hoàn thiện hạ tầng, phát triển đô thị khi nhận được sự quan tâm, bố trí vốn từ tỉnh Quảng Ngãi và Trung ương, cũng như sự chú ý từ nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Song song đó, chính quyền huyện Sơn Hà cũng chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, qua đó tăng thu nhập cho người dân, tạo sự phát triển bền vững và có chiều sâu.
Lê Danh
Theo