(Xây dựng) – Ngày 14/3, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang tại cuộc họp với các ngành và các đơn vị liên quan về tình hình khai thác, kinh doanh khoáng sản cát lòng sông, đất san lấp, đá xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Mỏ khai thác khoáng sản tại Đại Lộc sau thời gian dừng hoạt động đến nay đã hoạt động trở lại nhưng vẫn khai thác không hết công suất theo quy định. |
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong hiện nay đang tồn tại một số bất cập trong khai thác, kinh doanh các loại khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trong đó có đất, đá, cát sỏi. Một số doanh nghiệp còn khai thác ngoài diện tích giấy phép được cấp, một số đơn vị khai thác không đạt hoặc vượt công suất giấy phép, khai thác xong chậm hoặc không thực hiện việc hoàn thổ, phục hồi môi trường theo quy định. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh khoáng sản như bán hàng không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn nhưng ghi giá trị thấp hơn giá trị thực tế thanh toán, không niêm yết công khai giá bán khoáng sản tại mỏ hoặc có nhưng bán hàng không đúng với giá niêm yết, có nơi còn có biểu hiện hành vi găm hàng, thao túng giá. Việc vận hành và truyền dữ liệu kết nối từ các trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực mỏ và theo dõi, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản qua hệ thống camera lắp đặt tại mỏ chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang đã chủ trì làm việc với các ngành, đơn vị liên quan để chấn chỉnh những vấn đề trên. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang: Yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải khẩn trương tổ chức khai thác khoáng sản đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp, nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán. Kê khai nộp thuế đúng với sản lượng khai thác thực tế, xuất hóa đơn bán hàng đúng với giá thanh toán. Đơn vị nào trung bình 02 năm kê khai thấp hơn 60% công suất nêu trong giấy phép hoặc kinh doanh thua lỗ 02 năm liên tiếp, không tính thời gian xây dựng cơ bản mỏ, thì thuộc đối tượng ưu tiên kiểm tra, thanh tra trước. Các đơn vị liên quan đo đạc, xác định chính xác trữ lượng khai thác để truy thu và xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị phải niêm yết công khai giá bán khoáng sản tại mỏ theo từng thời điểm. Gửi thông báo giá niêm yết về UBND cấp huyện, cơ quan Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để theo dõi, giám sát và bán đúng với giá niêm yết. Chi cục Thuế khu vực, cùng với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra; xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định.
Lắp đặt đầy đủ trạm cân, hệ thống camera giám sát, đầu ghi dữ liệu có dung lượng đủ lớn, truyền dữ liệu về các cơ quan chức năng và kiểm tra, rà soát, có quy trình quản lý, vận hành thông suốt; theo dõi, lập sổ ghi chép số liệu khoáng sản khai thác trong ngày, trong tuần, số liệu xe qua trạm cân và số liệu khoáng sản xuất bán thực tế.
Trong quá trình khai thác khoáng sản tại mỏ phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không để gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong vùng. Xe vận chuyển không được vượt quá tải trọng cho phép và thực hiện đầy đủ các yêu cầu về cắm mốc ranh giới khu mỏ. Lập hồ sơ thiết kế khai thác mỏ, bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ đúng tiêu chuẩn quy định. Lập đầy đủ bản đồ hiện trạng mỏ và các sổ sách, chứng từ, tài liệu xác định sản lượng khai thác hàng tháng, hàng năm. Hết thời gian khai thác, phải chấp hành thực hiện nghiêm việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác theo đúng quy định.
Đối với các đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 lần trở lên hoặc bị cơ quan Thuế cưỡng chế thuế, bị xử lý hình sự thì Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện không xem xét, đề xuất gia hạn hoặc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nơi mới theo đúng quy định của UBND tỉnh.
Hải Nam
Theo