(Xây dựng) – Năm 2022, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung xây dựng và khai thác hiệu quả các nền tảng thiết yếu cho phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Chiến lược phát triển chuyển đổi số gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử được UBND tỉnh Quảng Bình quan tâm thực hiện. |
Ngày 23/02, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, UBND tỉnh Quảng Bình đặt ra, phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 20% GRDP. Trong đó, tỉnh sẽ phát huy tối đa năng lực, sức sáng tạo của mỗi tổ chức, cá nhân, xây dựng lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực theo đặc thù của Quảng Bình.
Theo Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình năm 2022 đề ra mục tiêu cụ thể, gồm: Phát triển Chính quyền số tỉnh; phục vụ người dân và doanh nghiệp; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và an toàn thông tin.
Cụ thể, phấn đấu 96% tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử; trên 91% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 74% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 52% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công được đánh giá trên Cổng dịch vụ công của cấp tỉnh đạt trên 85%, cấp huyện, cấp xã đạt hơn 80%. 100% tỷ lệ dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 100% tỷ lệ giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử…
Ngành Thông tin - Truyền thông cũng sẽ triển khai, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II; triển khai hệ thống Cơ sở dữ liệu GIS ngành Thông tin - Truyền thông; phối hợp với các cơ quan chức năng chỉnh trang tuyến cáp treo trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Đồng Hới, đáp ứng thực tiễn yêu cầu đổi mới quản lý đô thị. |
Tỉnh ủy - UBND tỉnh Quảng Bình xác định rõ, quá trình chuyển đổi số, người đứng đầu một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất và quyết định sự thành công. Vì người đứng đầu có chú trọng, khai thác, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý lĩnh vực thuộc đơn vị thì từ đó mới có chỉ đạo, ứng dụng toàn diện, chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp với nền tảng công nghệ thông tin.
Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Tỉnh đang thực hiện các bước chuyển đổi số ở hầu hết các lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Cụ thể, phía các sở, ngành, địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giải quyết các thủ tục hành chính để đơn giản, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tới đây, các doanh nghiệp tại Quảng Bình cũng có kế hoạch chuyển đổi số bắt đầu từ việc chuyển đổi máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất, giảm sức lao động nhưng vẫn tăng được sản lượng hàng hóa.
Nhất Linh
Theo