(Xây dựng) – Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nhiều mặt tới hoạt động của hơn 3.600 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đã làm ảnh hưởng đến sinh kế của gần 20.000 lao động… Nhằm giải quyết việc làm cho người lao động tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng lên cơ hội tìm kiếm việc làm cho lao động địa phương.
Lĩnh vực xây dựng và sản xuất vật liệu góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. |
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động ở các huyện, xã để giới thiệu cho người lao động về các vị trí việc làm còn trống, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, ăn ở, bảo hiểm thất nghiệp và những yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Nhờ sự tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng những trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương khác, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh liên tục cập nhật thông tin tuyển dụng của những đơn vị trong nước như: Chi nhánh Công ty Sun Taxi tại Quảng Bình, Công ty Xây dựng tổng hợp Trường Xuân, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam, Tập đoàn Tân Châu Phát, Công ty Đấu giá hợp danh Trường Hà, Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm; và cả thông báo tuyển lao động, thực tập sinh làm việc theo hợp đồng có thời hạn thuộc các lĩnh vực như chăm sóc y tế, chế biến thực phẩm, xây dựng, chế tạo máy… ở nước ngoài.
Ngoài ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình ưu tiên công tác đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp. Những ngành nghề được đào tạo bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp như: Quản lý và phát triển trang trại; kỹ thuật xây dựng; kỹ thuật nấu ăn; may công nghiệp; gia công cơ khí… Nhờ đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Quảng Bình đã liên kết với chuỗi các nhà hàng, khách sạn, xí nghiệp… để đưa học viên tới thực tập, kiến tập. Những lao động đáp ứng các yêu cầu về trình độ được giới thiệu tới làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Hoạt động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm không chỉ hỗ trợ các nhóm yếu thế như người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được bảo trợ xã hội… và những lao động thiếu kỹ năng tham gia tích cực vào thị trường lao động mà còn góp phần chung vào công tác xoá đói giảm nghèo tại địa phương này.
Phổ biến cho người lao động về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản liên quan. |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình, năm 2020 đã giải quyết việc làm cho khoảng 28.900 lao động, trong đó có 18.785 lao động làm việc trong tỉnh; 8.677 lao động làm việc ngoài tỉnh và 1.438 lao động làm việc ở các nước như Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Ông Phạm Thành Đồn - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay: Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm, Sở đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm cho các doanh nghiệp; trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về việc làm và xuất khẩu lao động; tổ chức tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đã tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm với gần 10.000 lượt người lao động được tư vấn, 2.000 lượt người được giới thiệu việc làm, 400 người xuất khẩu lao động.
Nhất Linh
Theo